Biểu tượng công lý và xét xử tại Việt Nam: Đã có nhưng không ai để ý ?

28/04/2020 08:50 GMT+7

TAND tối cao đang lấy ý kiến của các thẩm phán, cán bộ công chức trong hệ thống tòa án về chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử của ngành tòa án.

Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thống nhất tôn vinh vua Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam đang làm dư luận quan tâm.
Qua đó, TAND tối cao đang lấy ý kiến của các thẩm phán, cán bộ công chức trong hệ thống tòa án về việc chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử của ngành tòa án. Việc lấy ý kiến được thực hiện từ 23 - 28.4
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khẳng định việc chọn vua Lý Thái Tông là không phù hợp.
Luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND tối cao) cho rằng việc lựa chọn này là không phù hợp. Ông nói: “Đưa hình tượng một vị vua thời phong kiến làm biểu tượng công lý của thời đại nhà nước pháp quyền là không ổn. Đầu tiên biểu tượng đó phải thấy rõ được tiêu chí là thượng tôn pháp luật. Việt Nam đang tập trung vào vấn đề là sự độc lập xét xử của thẩm phán. Một ông vua, không phải đại diện cho công tác xét xử”.
“Xây dựng một biểu tượng là xây dựng điều hoàn hảo, toàn diện nhưng một con người cụ thể thì khó hoàn thiện toàn bộ, bởi ai cũng có ưu và khuyết điểm. Biểu tượng công lý thường được xây dựng nhân vật tạo ra khát vọng vươn tới chứ không phải một con người chủ thể”, ông Phạm Công Hùng nêu quan điểm.
Ngoài ra, theo ông Phạm Công Hùng, xưa nay dù chưa ai đề cập nhưng hình ảnh Quốc huy Việt Nam cách điệu với hình ảnh “Cán cân công lý” và “Thanh kiếm” đã thể hiện đầy đủ ý nghĩa: Ngành tòa án phải đảm bảo nhiệm vụ công bằng, chính xác trong hoạt động xét xử. Đồng thời, nhân danh quyền lực Nhà nước và là công cụ mạnh mẽ để răn đe, trấn áp tội phạm. “Nên như vậy là đủ”, ông Hùng nhấn mạnh.
Một thẩm phán tại TP.HCM cũng cho rằng, việc lựa chọn nhân vật nào làm biểu tượng công lý hoặc để trưng bày tại tòa án đối với thẩm phán không quan trọng. Quan trọng là thẩm phán khi xét xử một vụ án, họ có đủ tâm và đủ tầm để giải quyết. Còn lại chỉ mang tính hình thức.
 

5 lý do HĐTP TAND tối cao tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng

Thứ nhất, vua Lý Thái Tông đã ban hành luật Hình thư - bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khai mở nền pháp luật thân dân Việt Nam.
Thứ hai, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, thiết lập và thi hành chế độ xét xử theo pháp luật, đưa hoạt động xét xử trong cả nước vào khuôn phép, sòng phẳng, rõ ràng góp phần đưa xã hội phát triển ổn định, công bằng và văn minh.
Thứ ba, trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ của vị hoàng đế rất mực yêu thương dân.
Thứ tư, đúc chuông lớn đặt ngay trước cửa chính điện Thiên An để người dân trong nước nếu có oan ức thì đến đánh chuông, bày tỏ để được thấu xét.
Thứ năm, chăm lo rèn dạy, tin giao toàn bộ việc xử kiện và đào tạo Khai Hoàng Vương (cũng là Thái tử Lý Nhật Tôn - NV) trở thành vị quan xử án mẫu mực và lừng danh trước khi lên ngôi Hoàng đế anh minh Lý Thánh Tông; để lại bài học thành công trong đào tạo người thi hành pháp luật, bảo vệ công lý cho thời đại.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.