Biểu tượng vĩ đại và xa xỉ của tình yêu

14/02/2018 10:06 GMT+7

Taj Mahal được xem là điểm thu hút khách du lịch hàng đầu Ấn Độ. Mỗi năm có khoảng 4 triệu người đến tham quan, trong đó, số khách nước ngoài khoảng 200.000 người.

Muốn vào tham quan, khách phải lên một loại xe chạy bằng điện để vào sát Taj Mahal, nhằm giảm lượng khói thải làm ô nhiễm cẩm thạch trắng của ngôi đền. Thậm chí có nghiên cứu chỉ ra rằng ngay cả hơi thở của khách tham quan cũng làm hư hại công trình này theo thời gian.
Khách được chia ra nam và nữ đứng riêng để xếp hàng vào cổng kiểm tra an ninh, hành lý chạy qua máy quét, người thì bị nhân viên rà bằng thiết bị y hệt ở sân bay. Khách tham quan không được đem theo mỹ phẩm, thức ăn và các món lặt vặt khác có thể làm bẩn Taj Mahal.
Ngôi đền Tình yêu
Vua Shah Jahan có ba người vợ nhưng đặc biệt yêu nhất hoàng hậu Mumtaz Mahal. Khi hoàng hậu sinh người con thứ 14, bà kiệt sức lịm dần. Vua Shah Jahan hứa bên gối vợ sẽ xây cho bà ngôi nhà lộng lẫy nhất trên thiên đàng. Đó chính là lăng mộ Taj Mahal. Ông cũng hứa sẽ không kết hôn nữa để vĩnh viễn nhớ đến bà. Hoàng hậu ra đi sau đó chừng 30 giờ, hạnh phúc với lời hứa về một ngôi đền chứng minh tình yêu của đức lang quân. Năm đó hoàng hậu mới 39 tuổi.
Taj Mahal vì thế, được gọi là ngôi đền Tình yêu. Tôi không hiểu khi một người phụ nữ đã sinh tới đứa con thứ 14 thì có còn đẹp không. Với độ tuổi 39 mà đã có tới 14 lần sinh đẻ, trung bình bà phải sinh năm một và phải bắt đầu sinh đứa đầu lòng từ lúc còn rất trẻ. Ngày nay đàn ông (Việt Nam) sớm gọi vợ là Gấu chỉ sau hai lần sinh đẻ và hiếm có ông nào xây nổi cho vợ một cái biệt thự phố trước tuổi 39 của nàng.
Vậy nên, đứng trước Taj Mahal lộng lẫy, trắng toát màu cẩm thạch trắng, lòng tôi không khỏi ngưỡng mộ, dành cho hoàng hậu Mumtaz và cho vua Shah Jahan.
Taj Mahal được xây ròng rã từ năm 1631 đến 1653 thì hoàn thiện. Hình dáng ngôi đền có nhiều nét rất giống những ngôi đền Hồi giáo khác ở Delhi, nhưng Taj Mahal đặc biệt nhất vì được xây bằng cẩm thạch trắng, trường tồn với thời gian. Taj Mahal được xem là kiệt tác kiến trúc và được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Càng tiến đến gần, Taj Mahal càng trông sừng sững. Điều này tôi không thể tưởng tượng được nếu chỉ nhìn ngôi đền này qua hình. Những nghệ nhân điêu khắc trên cẩm thạch đã truyền linh hồn mình vào những đóa hoa trắng, những họa tiết tinh xảo, những dòng chữ được đục đẽo công phu.
Vì đang làm việc trong ngành bất động sản, chứng kiến những công trình nhà ở được xây dựng vất vả ra sao dù trong thời hiện đại có nhiều kỹ thuật xây dựng tiên tiến, tôi không khỏi bàng hoàng ngước nhìn Taj Mahal vĩ đại. Một công trình tốn biết bao sức người và sức của. Thời đó người ta ước tính Taj Mahal có chi phí xây dựng khoảng 320 triệu rupee (1 tỉ USD), nếu xét về khả năng tăng giá của bất động sản, sau 360 năm Taj Mahal có giá trị bao nhiêu?
Câu trả lời là: vô giá!
Đá quý và cẩm thạch trắng
Chúng tôi được yêu cầu bọc giày lại bằng những miếng bọc phát sẵn trước khi lên đền (người Ấn Độ thích cởi giày đi chân trần hơn). Người ta cho tôi biết cách nay 10 năm, khi đi thăm đền tất cả các du khách đều phải cởi giày đi chân trần. Gặp thời điểm mùa hè nắng nóng, bước chân trần trên nền đá cẩm thạch là một thử thách lớn.
Những bậc thang cẩm thạch để leo lên đền được bọc gỗ, người ta giải thích vì không muốn chân người bước trực tiếp lên làm tổn hại đền. Tôi nhìn xuyên qua các kẽ gỗ thấy rằng những bậc thang cẩm thạch đã hao mòn trước khi người ta kịp nghĩ ra biện pháp bọc gỗ bên trên.
Cẩm thạch trắng là một vật liệu nặng, đền lại cao sừng sững, nên trong quá trình xây dựng, có hơn 1.000 con voi được điều đến vận chuyển. Vậy thì để công bằng, phải nói rằng Taj Mahal đã được xây lên bằng 20.000 sức người và 1.000 sức voi trong 22 năm ròng.
Một điều gây tranh cãi là tin đồn sau khi xây xong Taj Mahal, những ai có tham gia vào việc xây dựng, bao gồm luôn kiến trúc sư trưởng người Ba Tư (Iran) tên là Ustad Ahmad Lahauri và toàn bộ 20.000 công nhân - nghệ nhân bị giết chết hoặc chặt tay để tránh tình trạng “sao chép” một công trình đẹp thứ hai. Vì thời đó chưa có chuyện “đăng ký bảo hộ độc quyền”.
Tuy nhiên, giới hướng dẫn viên ngày nay cho rằng thông tin này quá sốc, có thể làm du khách đang từ trạng thái ngưỡng mộ chuyển sang phẫn nộ đối với “chủ đầu tư” là vua Shah Jahan nên người ta “nghĩ rằng” 20.000 người đó chỉ phải ký cam kết “không sao chép dưới mọi hình thức” mà thôi.
Tôi đứng ngắm những đóa hoa được chạm nổi trên nền cẩm thạch trắng và những đóa hoa màu đỏ bằng đá quý được khắc vào phông nền trắng, nghĩ cái xứ Ấn Độ thật lạ kỳ. 360 năm trước người ta kỳ công như thế để chạm khắc những đóa hoa cẩm thạch trắng cho ngôi mộ của một hoàng hậu, trong lúc người dân bình thường đang sống trong nghèo khổ. 360 năm sau người ta vẫn đến chiêm ngưỡng ngôi mộ hoành tráng, trong khi ngay bên ngoài cửa vẫn là cuộc sống của khổ nghèo.
Ấn Độ, một đất nước kỳ lạ làm sao! Như cái lắc và gật đầu của người Ấn Độ mang ý nghĩa ngược với cả thế giới vậy. Khi đồng ý, người Ấn lắc lư chiếc đầu của mình trên cổ. Họ lắc ngang qua lại hai bên trái phải chứ không lắc trước sau như chúng ta. Cái lắc đầu đó cũng đồng nghĩa với sự hài lòng, với ý nghĩa tôn trọng và tính khích lệ. Ngược lại, khi không đồng ý, họ lại gật đầu.
Thật đúng là điên cái đầu!
Theo dòng người bước vào bên trong, đã có ngay những nhân viên đứng đó nhắc chừng: “Không được chụp hình, không được quay phim, không được chiếu đèn!”, đặc biệt họ nói luôn “coi chừng móc túi”. Khi tôi bước vào thì phát hiện bên trong tối đen hoàn toàn, người ta sợ ánh sáng làm hư đền hay sợ làm kinh động hai ngôi mộ của vua và hoàng hậu?
Một số nhân viên chiếu những chiếc đèn đặc biệt lên những đóa hoa khảm ngọc, cho thấy ngọc đổi sang màu khác. Khách tham quan ồ lên trầm trồ. Lờ mờ trong ánh sáng đó, tôi thoáng thấy hình dáng hai ngôi mộ. Tuy nhiên theo tài liệu đọc được, vua và hoàng hậu được chôn sâu dưới lòng đất, chỗ đặt nền móng ngôi đền. Linh hồn họ thoát ra, bay lên trú ở hai ngôi mộ cẩm thạch này. Rồi sau đó linh hồn tiếp tục thoát qua trần của ngôi đền, bay lên Thiên đàng.
Vậy nên, Taj Mahal không hẳn là một lăng mộ, đó là một ngôi đền để tưởng nhớ, một biểu tượng vĩ đại và xa xỉ của tình yêu.
Cuộc đời được mất vô thường, vua Shah Jahan thế rồi lại bị chính con trai ruột là Aurangzeb truất ngôi vào năm 1658 (5 năm sau khi Taj Mahal hoàn thành), ông bị biệt giam trong Pháo đài Đỏ cách đó 2,5 km. Ông trải qua 8 năm cuối đời ngước nhìn Taj Mahal qua song cửa sổ của nhà tù. Ông có phẫn nộ không, hay ông cũng chỉ xem là cái nghiệp ông phải trả?
An ủi phần nào khi ông qua đời, ông được chôn cất trong Taj Mahal, bên cạnh người vợ yêu dấu Mumtaz Mahal của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.