Án phạt lơ lửng
Tuần qua, Bộ Tư pháp Mỹ và 16 tiểu bang đã khởi kiện Apple vì vi phạm luật chống độc quyền trong thị trường smartphone (điện thoại thông minh), loại bỏ các đối thủ cạnh tranh và buộc người dùng phải bỏ chi phí cao hơn để sử dụng dịch vụ của họ. Trước đó, Google cũng từng bị cơ quan quản lý châu Âu xử phạt về hành vi độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm hay quảng cáo trực tuyến, dẫn đến việc kiện tụng.
Các nhà quản lý ở Mỹ và châu Âu cho rằng các Big Tech như Apple và Google đã xây dựng những hệ sinh thái không thể xâm nhập quanh sản phẩm của họ, hay còn gọi là "khu vườn kín", khiến khách hàng khó chuyển sang sử dụng dịch vụ của các đối thủ. Theo CNN, đơn kiện không đi kèm lời kêu gọi chia tách Apple nhưng cũng không loại trừ khả năng này. Công ty đã bác bỏ những lập luận "sai sự thật và luật" trong đơn kiện.
Tại châu Âu, với việc Đạo luật thị trường số (DMA) của Liên minh Châu Âu (EU) có hiệu lực từ tháng 3, các hãng như Apple, Meta (công ty mẹ của Facebook) và Alphabet (công ty mẹ của Google) sẽ bị soi xét kỹ hơn và có khả năng bị điều tra, dẫn đến những mức phạt nặng và thậm chí là chịu lệnh chia tách công ty nếu tái phạm nhiều lần. Đạo luật được đưa ra với mục tiêu chính là tạo môi trường cạnh tranh công bằng và an toàn hơn cho người sử dụng internet.
Apple bị Mỹ kiện vì 'độc quyền smartphone'
Phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu Margrethe Vestager, quan chức đứng đầu về chống độc quyền, năm ngoái cáo buộc Google có hành vi độc quyền trong mảng kinh doanh sinh lời chính của công ty là quảng cáo trực tuyến và có thể phải bỏ bớt các công cụ bán hàng. Bà Vestager khi đó nói rằng yêu cầu Google bán bớt tài sản dường như là cách duy nhất để tránh xung đột lợi ích, bởi việc đó sẽ ngăn công ty ưu tiên dịch vụ của mình so với các nhà quảng cáo khác. Phán quyết dự kiến được ban hành trước cuối năm nay. Nghị sĩ châu Âu Andreas Schwab, người góp công lớn trong việc soạn thảo DMA, bình luận: "Nếu họ không tuân thủ DMA, bạn có thể tưởng tượng điều nghị viện sẽ yêu cầu: chia tách. Mục tiêu cuối cùng là giúp thị trường cởi mở, công bằng và có nhiều sự sáng tạo hơn".
Khó khăn và phức tạp
Những vụ kiện như của Bộ Tư pháp Mỹ đối với Apple được dự báo sẽ kéo dài nhiều năm và chưa rõ liệu lệnh chia tách có được cơ quan quản lý ban hành. Năm 1984, đế chế viễn thông AT&T (Mỹ) bị chia tách thành 7 công ty độc lập, chấm dứt sự tồn tại của một trong những công ty độc quyền lớn nhất thế kỷ 20. Kể từ đó, chưa có công ty nào tại Mỹ đối mặt với viễn cảnh bị nhà quản lý buộc phải chia tách cho đến hiện tại. Một quan chức giấu tên của Ủy ban Châu Âu cũng nói với Reuters rằng cách làm đó là điều chưa từng xảy ra tại EU.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng để chia tách một hệ sinh thái có tính tích hợp cao như Apple là điều khó khăn và phức tạp. Thay vào đó, giải pháp tốt hơn là áp đặt những biện pháp khắc phục hành vi trong trường hợp của Apple, hoặc buộc phải bán bớt những mảng kinh doanh bổ trợ cho dịch vụ cốt lõi của công ty trong trường hợp Google.
Luật sư Assimakis Komninos, đối tác của Hãng luật White & Case (Mỹ), cho biết: "Tiền lệ về việc áp đặt biện pháp cấu trúc như chia tách công ty là không nhiều nhưng số ít trường hợp trong quá khứ đã cho thấy việc này rất phức tạp, bên cạnh những thách thức pháp lý ghê gớm".
Bình luận (0)