Bill Gates 'mắc kẹt' giữa căng thẳng công nghệ Mỹ - Trung

02/01/2019 16:47 GMT+7

Cuộc chiến thương mại, công nghệ của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc đang khiến tỉ phú giàu nhì thế giới gặp khó.

Theo The Wall Street Journal, nhà sáng lập hãng Microsoft cho biết trong bài đăng hồi cuối tuần trước, rằng dự án năng lượng hạt nhân ở Trung Quốc do doanh nghiệp TerraPower mà ông đồng sáng lập hiện khó tiến hành vì thay đổi chính sách của Mỹ với Trung Quốc thời gian gần đây. Tỉ phú sở hữu 90,4 tỉ USD ủng hộ Mỹ thay đổi quy định vì xem năng lượng hạt nhân là “nguồn năng lượng duy nhất không có carbon, có thể mở rộng và sẵn có 24 giờ/ngày”.
Ông Gates cũng là chủ tịch TerraPower, công ty nỗ lực cho dự án ở Đại lục được ba năm nay. Hãng phải tìm đối tác mới và hiện chưa chắc chắn sẽ chạy thí điểm lò phản ứng hạt nhân nào. Năm 2008, ông Gates giúp khởi động vài tài trợ cho công ty Bellevue Wash để tài trợ các lò phản ứng hạt nhân nhỏ, ít tốn kém và an toàn hơn nhiều nguồn năng lượng hạt nhân hiện thời. Bellevue Wash phát triển lò phản ứng sóng di chuyển, sử dụng uranium suy yếu làm năng lượng. Đây là thứ TerraPower cho rằng có thể cải thiện độ an toàn và giảm chi phí.
Hạn chế về quy định và tài trợ liên bang khiến việc xây dựng cơ sở ở Mỹ khó khăn. TerraPower phải tìm đối tác nước ngoài, CEO TerraPower Chris Levesque cho hay. Năm 2015, công ty ký thỏa thuận với doanh nghiệp nhà nước China National Nuclear để phát triển công nghệ và đến năm 2017 thì đồng ý xây dựng lò phản ứng chứng thực để thử nghiệm công nghệ tại thành phố Thương Châu, phía nam Bắc Kinh.
Dù vậy, Bộ Năng lượng Mỹ công bố hồi tháng 10.2018 rằng dù họ không cấm tất cả các thỏa thuận hạt nhân với Trung Quốc, song lại đòi hỏi sự đảm bảo cao rằng công nghệ này không bị dùng cho mục đích quân sự hoặc nhiều mục đích trái phép khác. Khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry nêu nhiều lo ngại an ninh quốc gia về việc Trung Quốc nắm năng lượng hạt nhân “bên ngoài các quy trình hợp tác hạt nhân dân sự giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Thay đổi chính sách là một phần trong nỗ lực của chính quyền ông Trump nhằm ngăn chặn Bắc Kinh theo đuổi công nghệ quan trọng của Mỹ. Động thái diễn ra trong bối cảnh hai cường quốc kinh tế mâu thuẫn sâu sắc về mặt thương mại. Mỹ áp thuế quan lên 250 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, từ chip máy tính cho đến xe đạp, hải sản. Nước này còn đe dọa tăng thuế từ ngày 1.3, trừ phi hai bên đạt thỏa thuận thương mại.
TerraPower có 180 nhân viên, trông cậy vào đợt thí điểm ở Trung Quốc để xác nhận công nghệ mà họ phát triển hơn 10 năm qua. Lúc này, hãng loay hoay tìm hướng đi. Bộ Năng lượng Mỹ khuyến khích TerraPower tìm đối tác ngoài Trung Quốc.
Tuy vậy, tìm đối tác mới không phải chuyện dễ dàng. Chi phí phát triển lò phản ứng chứng thực là khoảng 1 tỉ USD, ông Levesque nói. Con số trên hạn chế tiềm năng hợp tác trong phạm vi các nước giàu, đã có đầu tư năng lượng hạt nhân trên thế giới. Các nước này cũng cần có thỏa thuận với chính phủ Mỹ, cho phép loại quan hệ hợp tác hệt như TerraPower có ở Trung Quốc.
Randolph Bell, giám đốc Trung tâm Năng lượng Toàn cầu tại hội đồng Đại Tây Dương, nhóm chính sách phi đảng phái, cho rằng Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ có thể là lựa chọn. Dù vậy, sứ mệnh phát triển năng lượng hạt nhân và quy mô thị trường lớn khiến Trung Quốc có nhiều ưu điểm hơn các nước khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.