Bình đẳng cho doanh nghiệp nội

09/08/2016 06:39 GMT+7

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Hà Nam cuối tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đầu tư nước ngoài là cần thiết nhưng phải luôn chú trọng, nuôi dưỡng, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) nội.

Đây là một thông điệp cực kỳ quan trọng và nếu thực hiện tốt chủ trương này chắc chắn sẽ tạo động lực cho cả nền kinh tế.
Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc, tại sao cái nguyên lý tưởng chừng như tất yếu đó lại được Thủ tướng nhấn mạnh như vậy. Bởi vì thực tế trong rất nhiều năm qua, các DN tư nhân trong nước luôn thiệt thòi về mọi mặt so với các DN ngoại. Cùng là đầu tư nhưng nếu như DN ngoại hưởng rất nhiều ưu đãi, từ miễn giảm thuế, thuê đất với giá rẻ trong thời gian dài, thậm chí vay vốn ngân hàng trong nước với lãi suất mềm, đến đâu cũng được "trải thảm đỏ"... thì DN nội, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, lại chịu cảnh ngược hoàn toàn.
Ngoài việc không được hưởng các ưu đãi này, họ còn bị hành vì thủ tục hành chính, họ cũng là đối tượng phải chịu chi phí "lót tay" nhiều nhất. Đặc biệt, các DN ngoại càng lớn, đầu tư vốn càng nhiều thì ưu đãi cũng tỷ lệ thuận. Đã có những DN hưởng ưu đãi thuế vài chục năm, thậm chí cả vòng đời dự án. Chính cách thu hút đầu tư này đã dẫn đến những cái chết oan uổng của DN nội.
Trong khoảng 2 thập niên qua, chúng ta đã chứng kiến biết bao vụ thôn tính của nhà đầu tư nước ngoài với các thương hiệu trong nước. Từ hóa mỹ phẩm, thực phẩm, nước giải khát, bất động sản cho đến bánh kẹo, vật liệu xây dựng, bán lẻ đều rơi vào tay khối ngoại. Đặc biệt giai đoạn khủng hoảng vừa qua, trong khi DN ngoại sống khỏe với các ưu đãi thì các DN nội ngày càng èo uột. Số lượng DN giải thể, ngưng hoạt động vẫn không ngừng tăng lên.
Không thể phủ nhận những đóng góp của dòng vốn đầu tư nước ngoài tại VN nhưng suy cho cùng, DN ngoại làm ra lợi nhuận cũng mang về nước họ. Hoặc đơn giản hơn, chỉ là tập đoàn mẹ thay đổi chiến lược kinh doanh, đã đạt được mục tiêu lợi nhuận hay nhắm thấy cơ hội không còn nhiều, họ cũng dễ dàng sang nhượng, tháo chạy khỏi VN.
Những làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) đến rồi đi là quy luật tất yếu. Vì thế, bất kỳ quốc gia nào cuối cùng vẫn phải dựa vào các DN nội mới có thể phát triển bền vững. Thế nhưng trong "cơn say" thu hút vốn ngoại, chúng ta đã quên lãng điều này. Vì thế, nhắc nhở của Thủ tướng là hết sức cần thiết, nhất là khi chúng ta đang phát động cuộc cách mạng khởi nghiệp để tạo nên con số 1 triệu DN đến năm 2020.
Vậy nuôi dưỡng DN nội thế nào, họ cần điều gì? Thực ra hầu hết DN nội cũng không đòi hỏi gì nhiều. Rất nhiều DN khi nói chuyện với chúng tôi cho biết, cái họ cần là một môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng để họ dồn tâm, dồn sức cho việc cạnh tranh khi mở cửa thị trường.
Muốn vậy, ngoài việc quyết liệt cải cách thủ tục hành chính thì đây là lúc chúng ta phải "lọc" lại chuyện ưu đãi trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực nào DN trong nước chưa làm được mới sử dụng ưu đãi để thu hút vốn FDI chứ không đánh đồng, cứ thấy vốn ngoại là được hưởng ưu đãi như hiện nay. Bên cạnh đó, phải quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp chuyển giá trốn thuế của khối DN này để tạo môi trường công bằng cho DN trong nước.
Chỉ có như vậy chúng ta mới khuyến khích, khơi thông dòng vốn trong dân chúng đổ ra làm ăn, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.