Truyện ngắn của Hoàng Trọng Dũng không rườm rà, cấu tứ chặt chẽ như thơ anh vậy. Giọng văn của anh bình dị nhưng lại đi sâu vào những ngóc ngách tâm lý vốn phức tạp của các nhân vật. Có vẻ như khi có vấn đề thời sự nào đó, Hoàng Trọng Dũng lại nghĩ ra một câu chuyện từ vốn sống ngồn ngộn của một kỹ sư cơ khí, lại đi làm văn nghệ rồi chuyển qua… du lịch.
Trò chuyện với mưa có hai truyện là Tiếng biển và Đ.mẹ chú Hai mà tôi rất thích vì tứ truyện lạ. Một ông già vừa câm vừa không biết chữ yêu biển theo cách mà người khác không bao giờ hiểu. “Sóng đấy, nhưng chỉ những người một lòng một dạ với biển mới hiểu căn nguyên cội nguồn của sóng…”. Dũng viết truyện này ngay sau câu chuyện thời sự về Hoàng Sa, Trường Sa…
Đ.mẹ chú Hai là chuyện khác về một anh cán bộ người Nam tập kết ra Bắc. Nhớ vợ, nhớ quê, hằng ngày anh cứ bảo mấy đứa nhỏ chửi "Đ.mẹ chú Hai" cho đỡ nhớ nhà. Đứa nào chửi to hơn thì được chú Hai cho nhiều kẹo hơn. “Chú Hai nhớ quê và thèm một tiếng chửi của quê hương”, giản dị vậy mà sâu xa cũng vậy…
Mưa bóng mây, Con chó có chữ cũng là những truyện hay mà Dũng thường viết một cách khá dễ, theo thủ pháp bắt chộp ngay vào một “khoảnh khắc” bất ngờ của nhân vật hay sự kiện… Hay Hòn Kẽm đá dừng, Hậu và những chú cá hoa La Hán, Nếp nhà… tôi nghĩ nếu anh có dịp viết lại, như sẽ tách thành hai, thành ba truyện thì rất hay, vì dung lượng, ý tứ dồn dập.
Với bút danh Hoàng và Hoàng Trọng Dũng, anh không chỉ viết truyện, làm thơ mà còn giữ các mục thường xuyên về văn hóa ẩm thực trên một số tờ báo như Thanh Niên tuần san và Đà Nẵng cuối tuần. Nhưng có lẽ, cái “máu” văn xuôi đã lấy đi nhiều thời gian và tâm huyết hơn cả trong anh.
Trương Điện Thắng
Bình luận (0)