Bình Định: 3 lần gặp nạn ngoài khơi, ngư dân bị vợ 'cấm biển'

19/11/2020 14:30 GMT+7

Thoát chết trong vụ tàu cá BĐ 97469 TS bị chìm khi đang di chuyển tránh bão số 9, ngư dân Huỳnh Xuân Phi (ở Bình Định) bị vợ cương quyết giữ ở nhà, không cho đi biển.

Gần 1 tháng sau khi gặp nạn trên biển, ngư dân Huỳnh Xuân Phi (ở thôn Diêu Quang, xã Hoài Hải, TX.Hoài Nhơn, Bình Định) vẫn liên tục gặp ác mộng. Nhiều lúc giữa đêm giật mình thức giấc, anh Phi không cầm được nước mắt vì thương nhớ đồng nghiệp của mình.

Anh Huỳnh Xuân Phi lúc mới được đưa về nhà

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Anh Phi là thuyền viên trên tàu cá BĐ 97469 TS do ông Võ Ngọc Đô (41 tuổi, ở thôn Kim Giao Thiện, xã Hoài Hải, TX.Hoài Nhơn) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng. Chiều 27.10, tàu cá này di chuyển tránh trú bão số 9 thì bị sóng đánh chìm tại vị trí cách TP.Nha Trang (Khánh Hòa) khoảng 172 hải lý về phía đông. Tất cả 14 ngư dân trên tàu đều nhảy xuống biển, tìm cách thoát thân.

Từ cõi chết trở về, tởn tới già, ngư dân không dám ra khơi

Đến chiều 29.10, chỉ có anh Phi cùng 2 ngư dân khác là Võ Văn Hoài (35 tuổi, ở thôn Kim Giao Thiện) và Lê Minh Don (20 tuổi ở thôn Diêu Quang) được tàu nước ngoài cứu sống. Tối 3.11, 3 ngư dân may mắn này được đưa về nhà. 11 ngư dân còn lại đến nay vẫn chưa rõ tung tích.

3 lần thoát nạn trên biển

Trong số các ngư dân gặp nạn, anh Huỳnh Xuân Phi có số phận khá đặc biệt. Cha anh Phi là ông Huỳnh Xuân Phương (62 tuổi) đi bộ đội, tham gia chiến tranh đến khi trở về thì thần trí không bình thường. Anh Phi sinh năm 1980, khi tròn 3 tuổi thì mẹ bỏ đi. Một mình ông Phương đi đốn củi để bán, đổi gạo lấy tiền nuôi anh Phi. Đến năm 1985, anh Phi mới được làm giấy khai sinh. Năm 14 tuổi, anh Phi bắt đầu theo tàu cá đi biển để kiếm sống.

Ông Huỳnh Xuân Phương, cha của ngư dân Huỳnh Xuân Phi

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Theo chị Huỳnh Thị Tiết (34 tuổi, vợ anh Phi), anh Phi đã 3 lần thoát nạn trên biển. Lần thứ nhất cách đây khoảng 13 năm. Giữa trưa, khi tàu cá đang hoạt động trên biển nhưng vì xích mích với người trên tàu nên anh Phi lấy đồ ăn, nước uống bỏ vào thúng chai rồi từ bơi vào bờ. Đến khoảng 17 giờ ngày hôm đó thì vào đến bờ, anh Phi bán... thúng chai lấy tiền đón xe về nhà.
Hơn 22 giờ, thấy chồng bất ngờ trở về, chị Tiết vừa mừng vừa ngạc nhiên nên hỏi: "Sao anh về thình lình không điện cho em biết chừng?", anh Phi trả lời: "Về thình lình vậy cho vợ con bất ngờ chơi!".
“12 giờ đêm hay 1 giờ sáng, ông chủ tàu mới đi tìm, chạy xuống nhà mình rồi hỏi anh Phi về chưa? Tôi càng ngạc nhiên nên trả lời anh Phi đi biển với anh mà sao anh hỏi vậy, anh vào thì ảnh về chứ sao. Chủ tàu nói anh Phi tự bơi thúng vào bờ chứ tàu đâu có vào. Chừng đó thì thôi, tôi bàng hoàng. Không biết lý do gì mà anh Phi bất chấp nguy hiểm đến vậy? Không khéo mình làm tù làm tội người ta nữa”, chị Tiết kể.

Từ ngày thoát nạn trở về, vợ chồng anh Phi làm gì cũng có nhau

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Lần thoát nạn thứ 2 cũng xảy ra cách đây 10 năm. Anh Phi đi bạn cho tàu cá của một người quen. Khi tàu cá này đang đánh bắt thì gặp sóng to gió lớn nên bị tấp vào một bãi cạn ở gần đảo Trường Sa Đông. Tàu cá không di chuyển được, nguy cơ bị chìm, chủ tàu gọi điện cầu cứu hải quân đóng trên đảo Trường Sa Đông.
“Lần này chúng tôi gặp may, nhận được tin thì hải quân lập tức cho tàu ra hỗ trợ, đưa 10 hay 12 ngư dân chúng tôi vào bờ, tàu cá mắc cạn cũng được kéo về đảo Trường Sa Đông. Anh em bộ đội trên đảo rất nhiệt tình, chăm sóc chúng tôi rất chu đáo”, anh Phi kể.

Không dám đi biển thêm lần nào nữa

Từ khi thoát nạn trở về nhà, anh Phi chỉ quanh quẩn với vợ, con, chăm sóc cho gia đình. Từ đó đến nay, hầu như làm việc gì vợ chồng anh Phi cũng có đôi, có cặp. Chị Tiết và các con kiên quyết không cho anh Phi đi biển thêm lần nào nữa. Bản thân anh Phi cũng không muốn đi biển trở lại. Trước mắt, để có tiền sinh sống, anh Phi cùng vợ giăng câu, vớt rong biển ở gần bờ…
“Khoảng 3 giờ sáng thì vợ chồng tôi đi hái bông rong câu, bông rong biển… về bán, mỗi ngày được khoảng 50.000 - 100.000 đồng để nuôi con cái, cha già. Buổi chiều tôi thả câu ven bờ để kiếm thêm con cá, cải thiện nữa ăn hàng ngày. Không đi biển thì chắc chắn cuộc sống sau này khó khăn nhưng vợ nói làm ít thì mình tiêu ít, mọi hôm mình xài 10.000 đồng thì nay xài 5.000 thôi, để 5.000 còn lại dành cho con sau này”, anh Phi nói.

Chị Huỳnh Thị Tiết bán rong biển để lấy tiền nuôi con

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Anh Phi cho rằng món ăn của vợ mình nấu là ngon nhất

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Còn chị Tiết cho biết đang dự tính mua chiếc xe lôi 3 bánh để anh Phi chở hàng thuê ở gần nhà để kiếm tiền nuôi gia đình. Chị Tiết cũng sẽ xuống bến tàu mua bán hay kiếm việc làm để phục giúp anh Phi.
Theo anh Phan Đạo Lập, cán bộ Văn phòng – Thống kê UBND xã Hoài Hải, gia đình anh Phi thuộc diện khó khăn nhất trong số các ngư dân gặp nạn vừa qua. Anh Phi là lao động chính trong nhà, nếu không đi biển thì gia đình sẽ gặp khó khăn. Thời gian qua, các nhà hảo tâm, các tổ chức… đã hỗ trợ gia đình anh Phi được khoảng 40 triệu đồng. Số tiền này vừa đủ để anh Phi mua xe lôi 3 bánh, tạo dựng cuộc sống mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.