Bình Định: Bắt nghi phạm chuyên lừa đảo phụ nữ khắp nơi trên thế giới

07/01/2022 16:07 GMT+7

Công an tỉnh Bình Định đã bắt được Nguyễn Thị Hiền (37 tuổi, quê Đắk Lắk) vì có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiền là mắt xích trong đường dây lừa đảo phụ nữ trên khắp thế giới .

Sau quá trình triển khai các biện pháp điều tra, ngày 7.1, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Bình Định, cho biết đã bắt được Nguyễn Thị Hiền (37 tuổi, quê Đắk Lắk) vì có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đây là nghi phạm nằm trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia, lừa đảo bằng thủ đoạn sử dụng mạng xã hội để làm quen, tặng quà cho phụ nữ, sau đó chiếm đoạt tài sản.

Nghi phạm Nguyễn Thị Hiền

TRỊ BÌNH

Trước đây, Nguyễn Thị Hiền làm việc ở TP.HCM, tình cờ quen với một người đàn ông Malaysia, sau đó theo người đàn ông này ra nước ngoài sinh sống và bắt đầu hoạt động lừa đảo.

Hiền bị bắt khi về Việt Nam để làm lại hộ chiếu. Nghi phạm khai nhận, đường dây lừa đảo này có rất nhiều người tham gia, sống cùng nhau tại một chung cư ở Malaysia. Mỗi người được phân công làm một nhiệm vụ. Người thì lập Facebook ảo, người thì giả hải quan, người thì giả nhân viên sân bay. Còn Hiền tìm các thông tin cá nhân giả, sim điện thoại rác để cung cấp cho đường dây này.

Theo lời khai của Hiền, nhóm này làm quen nạn nhân cả năm, đợi 'con mồi' tin tưởng rồi mới tung chiêu tặng quà. Cùng lúc, chúng làm quen hàng trăm phụ nữ trên khắp thế giới để lừa đảo, trong đó có Việt Nam. Tại Bình Định, nhóm này đã thực hiện nhiều vụ, trong đó có vụ lừa một cô gái tên N.T.T (ở xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn) với số tiền hơn 1 tỉ đồng.

Trước đó, một kẻ lừa đảo lấy tên nước ngoài là Nicky Ella kết bạn, làm quen với chị T. Sau một thời gian nói chuyện qua mạng xã hội, “Nicky Ella” xin địa chỉ nhà để gửi tặng chị T. một số món quà gồm đồ trang sức, tiền, đồng hồ trị giá nhiều tỉ đồng để làm quen.

Một thời gian sau, có một người phụ nữ gọi điện thoại cho chị T. xưng là hải quan Việt Nam thông báo về việc chị T. nhận được một bưu phẩm trong đó có tiền và đồ trang sức đắt tiền, chị phải nộp một khoản tiền phí vận chuyển, phí luật sư, phí giấy tờ… mới nhận được hàng.

Chị T. đã làm theo hướng dẫn và gửi tổng cộng hơn 1 tỉ đồng vào tài khoản cho các kẻ lừa đảo. Chờ mãi vẫn không nhận được hàng, tiền hoàn trả nên chị T. mới biết mình bị lừa nên trình báo cơ quan công an.

Theo thống kê của Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Định, từ năm 2017 đến nay, đơn vị này đã nhận hơn 50 đơn tố cáo lừa đảo qua mạng xã hội với thủ đoạn lừa tình, lừa tiền, bị hại hầu hết là phụ nữ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.