Bình Định: Chính quyền giúp gặt lúa, nông dân vùng dịch Covid-19 không phải ra đồng

04/09/2021 22:32 GMT+7

Trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19 , UBND xã Nhơn Phong (ở Bình Định) thành lập các tổ hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa, các chủ ruộng không phải ra đồng.

Chiều 4.9, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đã làm việc với UBND P.Đập Đá và xã Nhơn Phong, 2 địa phương đang có các ổ dịch Covid-19 lớn nhất của TX.An Nhơn (Bình Định). Hiện P.Đập Đá và xã Nhơn Phong đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tại xã Nhơn Phong, từ ngày 27.7 đến nay đã có 43 ca mắc Covid-19, có 3 ổ dịch cộng đồng. Trong đó, ổ dịch tại chợ Thanh Giang (thôn Thanh Giang) phức tạp, liên quan đến nhiều người nên công tác truy vết gặp nhiều khó khăn.
Do dịch bệnh ập đến bất ngờ, một số lãnh đạo và đội ngũ làm công tác phòng chống dịch như công an, quân sự, y tế xã Nhơn Phong nhiễm Covid-19 hoặc rơi vào trường hợp F1 phải cách ly dẫn đến thiếu hụt lực lượng chống dịch. Trong đó, hầu hết lực lượng y tế xã và dân quân làm nhiệm vụ thường xuyên đều bị nhiễm Covid-19.

Chốt kiểm soát trên đường vào xã Nhơn Phong

HOÀNG TRỌNG

Ngày 28.7, UBND tỉnh Bình Định quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với xã Nhơn Phong để phòng, chống dịch Covid-19.
Trong thời gian phong tỏa, xã Nhơn Phong thành lập 7 tổ hậu cần, hợp đồng 4 xe vận tải nhận và chuyển hàng hóa thiết yếu hàng ngày, hợp đồng 1 xe 4 chỗ chuyên đưa đón người dân đi cấp cứu và xuất viện về nhà, cử 13 thành viên tập trung ở 7 thôn làm nhiệm vụ xếp và vận chuyển hàng hóa đến tận nhà người dân.
UBND xã Nhơn Phong cũng ký kết với 39 tiểu thương trên địa bàn để đảm bảo bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm. Nhờ vậy, đa số nhân dân đều có thực phẩm thiết yếu hàng ngày để tiêu dùng…
Đặc biệt, UBND xã Nhơn Phong đã thành lập các tổ hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa nên các chủ ruộng chỉ ở nhà, không ra đồng thu hoạch lúa. Trên địa bàn xã có 16 máy gặt đập liên hợp, 25 xe phục vụ vận chuyển, người tham gia phục vụ các công việc liên quan đều phải có giấy test nhanh âm tính trong vòng 72 giờ đồng hồ. Hiện xã Nhơn Phong đã thu hoạch xong khoảng 300 ha, còn lại 155 ha lúa đang tiến hành thu hoạch.

Covid-19 sáng 5.9: 511.170 ca nhiễm, 282.516 ca khỏi | Giải pháp cho người chưa tiêm mũi 2 Moderna?

Tại P.Đập Đá, từ ngày 30.7 đến nay có 36 người mắc Covid-19. Ngày 24.8, P.Đập Đá phải áp dụng Chỉ thị 16 nâng cao theo nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để tầm soát diện rộng. Đến nay, ổ dịch tại P.Đập Đá cơ bản được khống chế.

Ông Lê Thái Bình, Giám đốc Trung tâm y tế TX.An Nhơn, phát biểu tại buổi làm việc với P.Đập Đá

HOÀNG TRỌNG

Ông Lê Thái Bình, Giám đốc Trung tâm y tế TX.An Nhơn, cho rằng qua kinh nghiệm từ ổ dịch P.Đập Đá cho thấy việc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội phải song song với tầm soát mới có thể bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Việc tầm soát không thể căn cứ vào hộ khẩu mà phải căn cứ vào số lượng người có mặt tại địa phương, phải đến từng nhà gọi hết người ra để lấy mẫu thì mới không bỏ sót.
Ông Nguyễn Phi Long đề nghị UBND TX.An Nhơn và ngành y tế xem xét các điều kiện, phương án để đề xuất gỡ bỏ phong tỏa theo Chỉ thị 16, hạ xuống thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ cho các xã, phường nếu đủ điều kiện.
Sau khi gỡ bỏ phong tỏa, các địa phương vẫn tiếp tục thực hiện tầm soát khu vực có nguy cơ, người có nguy cơ đủ 28 ngày sau khi có ca nhiễm cộng đồng cuối cùng, thời gian tầm soát 5 ngày/lần. Đồng thời, phải quản lý được địa bàn, giám sát chặt chẽ người từ vùng dịch về và lái xe đường dài.

Ông Nguyễn Phi Long đánh giá cao phương án phòng chống dịch chu đáo của xã Nhơn Phong

HOÀNG TRỌNG

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu lên phương án chung sống lâu dài với dịch Covid-19, lên kế hoạch tầm soát khu vực có nguy cơ, người có nguy cơ đến hết năm 2021, lên kế hoạch thực hiện song song 2 nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.