Bình Định: Dâng hương tưởng niệm ngày mất nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu

22/06/2023 14:00 GMT+7

Nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu (ở Bình Định) nổi tiếng văn hay, học giỏi nhưng chỉ thi đỗ ở bậc tú tài rồi mở trường dạy học, góp phần đào tạo nhiều chí sĩ, tài năng tuồng, trong đó nổi bật là Đào Tấn.

Ngày 22.6, UBND H.Tuy Phước (Bình Định) tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 143 năm ngày mất nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu (1880 -2023) tại từ đường của ông ở thôn Kỳ Sơn (xã Phước Sơn, H.Tuy Phước).

Tại Lễ dâng hương, các nghệ sĩ của Đoàn tuồng Đào Tấn (thuộc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Bình Định) đã diễn hồi 2 - Địch Thanh qua ải, trích trong vở Ngũ hổ bình tây của nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu phục vụ các đại biểu về dự lễ và bà con trong vùng.

Đây là một trong những vở tuồng cổ hay nhất, đồ sộ nhất, được lưu truyền, dàn dựng và biểu diễn qua nhiều thế hệ. Trong đó, lớp tuồng Địch Thanh qua ải mang chủ đề trung, hiếu, tiết, nghĩa nên được nhiều thế hệ khán giả yêu thích.

Các nghệ sĩ Đoàn tuồng Đào Tấn diễn lớp tuồng Địch Thanh qua ải

Các nghệ sĩ Đoàn tuồng Đào Tấn diễn lớp tuồng Địch Thanh qua ải

SONG THIÊN

Nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu sinh năm Minh Mệnh thứ 2 (năm 1822), mất năm Tự Đức thứ 33 (1880), quê ở làng Nhơn Ân (xã Phước Thuận, H.Tuy Phước), cùng quê với danh nhân Đào Tấn và thi sĩ Xuân Diệu. 

Ông nổi tiếng văn hay, học giỏi nhưng chỉ thi đỗ tú tài (nên dân gian gọi ông là Cụ Tú Nhơn Ân).

Vì vướng bận mối tình trắc ẩn mà đau khổ nên ông không đi thi nữa, mở trường dạy học tại quê nhà, trọn đời làm một ông giáo làng.

Cụ Nguyễn Diêu được đánh giá là một nghiệp sư tuồng bình dị mà vĩ đại, viết nên những tuồng pho bất hủ và đào tạo ra nhiều chí sĩ, tài năng tuồng, trong đó nổi bật là Đào Tấn.

Thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Diêu không được nghiên cứu đầy đủ và tôn vinh xứng đáng vì nhiều lý do như: trọn đời ông chỉ sống ở làng quê của mình, các di cảo của ông không có điều kiện được gìn giữ cẩn thận… Trước đây, người ta chỉ biết ông là tác giả của bộ tuồng Ngũ hổ bình tây, vở Liệu đố thì gần như biệt tích, còn vở Tiết Giao đoạt ngọc lại được một số học giả coi là của Đào Tấn...

Để tôn vinh nhân cách, sự cống hiến lớn lao của ông đối với nghệ thuật tuồng nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung và di sản vô giá mà Nguyễn Diêu để lại cho hậu thế, ngày 1.2.2016, phần mộ của ông được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.