Theo Sở NN-PTNT Bình Định, đến cuối năm 2016, đàn heo trên địa bàn tỉnh đạt hơn 850.000 con (trong đó heo thịt khoảng 679.000 con), đứng thứ 5 trong toàn quốc. Riêng H.Hoài Ân, nơi được mệnh danh là “thủ phủ heo miền Trung”, có tổng đàn heo khoảng 281.000 con. Từ đầu năm 2016 đến nay, giá heo hơi liên tục sụt giảm, từ 35.000 - 48.000 đồng/kg xuống còn 20.000 - 25.000 đồng/kg. Trong khi lượng heo đến thời kỳ xuất bán lớn thì tư thương lại mua rất ít nên heo còn tồn đọng nhiều, khoảng 41.600 tấn. Vì vậy, nhiều người chăn nuôi thua lỗ và mắc nợ tiền ngân hàng, đại lý thức ăn. Đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Định cho biết dư nợ của các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện là 603 tỉ đồng.
Theo ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND H.Hoài Ân, các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã nợ các đại lý thức ăn chăn nuôi số tiền hơn 700 tỉ đồng. “Giá heo hơi ở mức 30.000 - 35.000 đồng/kg thì nông dân mới cầm cự được, đằng này xuống 20.000 đồng/kg thì người chăn nuôi lỗ nặng. Chúng tôi đã xác định việc heo rớt giá lần này cũng sẽ gây thiệt hại như đợt thiên tai, bão lũ lớn cuối năm 2016”, ông Long nói.
Giá heo hơi rất thấp nhưng giá heo thịt bán cho người tiêu dùng không giảm, tại các chợ trên địa bàn tỉnh hiện đang dao động từ 70.000 - 90.000 đồng/kg. Thực tế này cho thấy trong khi người chăn nuôi lỗ nặng thì các tư thương ở khâu trung gian lại lãi lớn. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất lập các điểm bán thịt heo thấp hơn so với thương lái để kích cầu tiêu thụ; tạo điều kiện cho người chăn nuôi được giết mổ heo đem thịt ra chợ bán; các ngân hàng có kế hoạch khoanh, giãn nợ cho người chăn nuôi; vận động các lực lượng công an, bộ đội tham gia tiêu thụ thịt heo, nhà máy chế biến giảm giá bán thức ăn chăn nuôi...
“Cái bất hợp lý hiện nay là các thương lái ở khâu trung gian, họ đang hưởng lợi rất cao. Cần phải giảm ngay khâu này. Sở NN-PTNT sẽ giúp các trang trại, hộ nuôi heo kết nối với cơ sở giết mổ để bán heo thì giá heo thịt sẽ giảm được 20 - 30%”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, nói.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, yêu cầu thành lập ngay ban chỉ đạo “giải cứu” thịt heo cấp tỉnh và cấp huyện để giúp người chăn nuôi tiêu thụ heo và khoanh, giãn nợ với các đại lý, ngân hàng. Ngay trong chiều 8.5 và sáng 9.5 phải thành lập các gian hàng tiêu thụ thịt heo tại các chợ, giá bán heo thịt thấp hơn so với tư thương 15 - 20% và mỗi xã phải thành lập ít nhất 1 gian hàng. Sở NN-PTNT, Sở Công thương phối hợp với chính quyền địa phương thành lập tổ công tác để kết nối các trang trại, hộ chăn nuôi cần tiêu thụ thịt heo với các cơ sở giết mổ làm hợp đồng giết mổ rồi tự cung cấp heo thịt ra thị trường với giá cả hợp lý...
Tại cuộc họp, Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng chính quyền các cấp, các sở, ngành, đoàn thể chậm vào cuộc trong việc giúp dân “giải cứu” thịt heo. “Dù đã họp, triển khai cả tuần qua nhưng Sở Công thương chưa triển khai được các điểm tiêu thụ thịt heo bình ổn giá cho dân. Sở Tài chính chưa khảo sát giá cả để thông báo cho người dân biết điểm nào bán thịt heo giá cao, điểm nào bán giá thấp. Tham gia “giải cứu” thịt heo là phải có trách nhiệm, không thể đi họp về rồi tài liệu ở trong cặp cứ để đó, còn dân ở dưới chờ dài cổ chẳng thấy triển khai gì cả”, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhắc nhở.
Bình luận (0)