Bình Định: Nhiều nhân viên y tế bỏ việc; 'khủng hoảng' mua sắm trang thiết bị

19/07/2022 18:14 GMT+7

Từ đầu năm 2021 đến nay, có 62 viên chức, nhân viên tại các cơ sở y tế công lập ở Bình Định xin thôi việc, bỏ việc, trong khi đó công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế gặp 'khủng hoảng về mặt pháp lý'.

Ngày 19.7, Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay có 62 viên chức thuộc các cơ sở y tế công lập do Sở Y tế quản lý xin thôi việc, bỏ việc. Trong đó, năm 2021 là 31 người, 6 tháng đầu năm nay là 31 người.

Tại sao nhân viên y tế xin nghỉ việc ?

Theo ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, trong số viên chức y tế nghỉ việc có 20 bác sĩ, 13 điều dưỡng, 14 kỹ thuật y, 3 hộ sinh, 2 dược sĩ và 10 người có chuyên môn khác.

Tính theo nơi làm việc, có 27 người làm việc tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh (trong đó có 9 bác sĩ) nghỉ việc, 23 người làm việc tại các cơ sở y tế tuyến huyện (trong đó có 9 bác sĩ) và 12 người làm việc tại các cơ sở y tế tuyến xã (trong đó có 2 bác sĩ) nghỉ việc.

Nguyên nhân chính dẫn đến viên chức y tế ở Bình Định xin thôi việc, bỏ việc (theo đơn) là do sức khỏe yếu, không đảm bảo trong công tác; Đoàn tụ với gia đình ở địa phương khác ngoài tỉnh; Vì hoàn cảnh gia đình xảy ra biến cố, gia đình neo đơn, con còn nhỏ, cha mẹ già yếu, bệnh nặng, đau ốm thường xuyên không có người chăm sóc; Thu nhập thấp (lương thấp và thu nhập tăng thêm gần như không có) trong khi công việc luôn quá tải…

Các y, bác sĩ ngày càng chịu nhiều áp lực, công việc luôn quá tải

HOÀNG TRỌNG

Để khắc phục tình trạng này, ngành y tế tỉnh Bình Định đang tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho công chức, viên chức trong toàn ngành và tiếp tục thực hiện công tác tuyển dụng viên chức năm 2022.

Đồng thời, Sở Y tế tỉnh Bình Định cũng tiếp tục phối hợp với các trường đại học y, dược trên toàn quốc để thu hút sinh viên mới tốt nghiệp về làm việc tại tỉnh; tăng cường mở các khóa đào tạo sau đại học tại tỉnh.

Trong chiều 18.7, tại phiên thảo luận của kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định, nhiều đại biểu quan tâm đến những khó khăn của ngành y tế như bác sĩ nghỉ việc, thiếu thuốc và vật tư y tế, thu không đủ bù chi tại các đơn vị y tế công lập…

“Trong số 20 bác sĩ thôi việc có đến10 bác sĩ chuyên khoa ngoại trong khi việc đào tạo bác sĩ chuyên khoa ngoại cực kỳ khó khăn. Hiện có trung tâm y tế tuyến huyện chỉ có 1 bác sĩ chuyên khoa ngoại. Từ đây đến cuối năm, tình trạng bỏ việc của nhân viên y tế có thể tăng lên”, ông Lê Quang Hùng trình bày trước các đại biểu HĐND tỉnh Bình Định.

Áp dụng thông tư, nghị định nào cũng sai!

Theo ông Lê Quang Hùng, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay là do vướng mắc lớn nhất về mặt thể chế và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vật tư, trang thiết bị y tế có sự chồng chéo, lạc hậu. Có 6 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu trang thiết bị y tế phải sửa đổi theo quy trình rút gọn nhưng chưa biết khi nào thực hiện được.

“Chúng tôi không biết khi nào mới sửa xong nhưng nếu bây giờ vội vàng sẽ sai. Khó khăn lại càng khó khăn. Ngày 1.8 này, thông tư 08 năm 2022 của Bộ KH-ĐT có hiệu lực, sẽ buộc phải đấu thầu qua mạng thì càng rối nữa. Mọi thứ tạo ra một cuộc khủng hoảng về mặt pháp lý liên quan đến công tác mua sắm. Nếu không có động thái quyết liệt của Chính phủ thì rất khó khăn. Không phải ngành y tế sợ, chúng tôi vẫn phải làm nhưng vấn đề là nó không đúng. Giờ không cái nào đúng hết, áp dụng Thông tư 08 cũng sai, mà áp dụng theo Nghị định 98 cũng sai, áp dụng theo Thông tư 14 cũng sai. Cái gì cũng sai !”, ông Lê Quang Hùng nói.

Ông Lê Quang Hùng trình bày những khó khăn của ngành y tế

BẢO THOA

Về thu chi của các bệnh viện, trung tâm y tế, ông Hùng cho biết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định là bệnh viện hạng 1, là đơn vị tự chủ chi thường xuyên nhưng kết quả về chênh lệch thu chi của 6 tháng năm 2022 thì dư ra chưa đến 200 triệu đồng.

Đối với tất cả các trung tâm y tế ở tỉnh Bình Định, chênh lệch thu - chi trong 6 tháng đầu năm 2022 đều âm, nhiều nhất là âm 8 tỉ đồng và ít nhất là âm 2 tỉ đồng, chỉ có Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn (TX.Hoài Nhơn) là có dư.

Nguyên nhân chính của việc này cũng do dịch Covid-19, người dân không đi khám bệnh.

Khó khăn chồng khó khăn nữa là đối với thanh toán bảo hiểm y tế. Nguồn thu từ các của các cơ sở y tế trên toàn quốc, kể cả Bình Định, có 90 - 95%, thậm chí có đơn vị đến 99% từ nguồn bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, hiện Bảo hiểm xã hội không chấp nhận mức thanh toán của các cơ sở y tế do chưa có chỉ số về tổng mức về thanh toán bảo hiểm y tế để áp dụng.

"Bộ Y tế hiện nay cũng không tính được mức trần năm 2021, bởi vậy tất cả phải dừng lại hết. Càng làm trầm trọng hơn trong thanh toán bảo hiểm y tế. Không có tổng định mức thanh toán thì không làm được gì”, ông Lê Quang Hùng nói.

Ông Lê Quang Hùng cho biết thêm, mặc dù gặp khó khăn nhưng ngành y tế vẫn quyết tâm thực hiện tốt công tác về phòng chống dịch Covid-19, dịch sốt xuất huyết, khám chữa bệnh… Sở Y tế tỉnh Bình Định cũng đang chỉ đạo quyết liệt và chấn chỉnh công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế để thực hiện mua sắm, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.