Bình Định: Sạt lở núi làm hư hại 9 ha rừng và ruộng lúa, hoa màu

30/12/2021 16:40 GMT+7

Núi Trang Dài (H.Tây Sơn, Bình Định) bị sạt lở lần thứ 2 khiến 3 ha rừng khoanh nuôi tái sinh, 3 ha rừng trồng, 2 ha lúa và 1 ha hoa màu bị sạt lở, bồi lấp.

Chiều 30.12, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Tây Phú (H.Tây Sơn, Bình Định) cho biết núi Trang Dài (thuộc thôn Phú Lâm, xã Tây Phú) tiếp tục sạt lở khiến 2.000 m3 đất đá gây bồi lấp rừng trồng, ruộng lúa của người dân.

Núi Trang Dài bị sạt lở gây bồi lấp, hư hỏng rừng trồng, ruộng lúa của người dân

nguyễn thành

Khu vực dưới chân núi Trang Dài bị sạt lở

nguyễn thành

Theo ông Thành, đây là lần thứ 2 núi Trang Dài bị sạt lở. Trong đợt mưa lũ từ ngày 27-30.11, núi Trang Dài bị sạt lở lần đầu, đất, đá, cây cối… từ điểm sạt lở tràn xuống lấp cống thoát nước, đường giao thông và hoa màu của người dân. UBND xã Tây Phú đã tổ chức khắc phục để người dân đi lại, sản xuất.

Tuy nhiên, trong đợt mưa từ ngày 27 và 28.12, núi Trang Dài sạt lở lần thứ 2 có diện tích khoảng 3 ha là rừng khoanh nuôi tái sinh. Hậu quả khiến 2.000 m3 đất đá tràn xuống, làm hư hỏng 3 ha rừng trồng của người dân, 2 ha lúa và 1 ha hoa màu của người dân bị bồi lấp.

Rừng trồng bị bồi lấp

nguyễn thành

Ruộng lúa dưới chân núi Trang Dài bị sa bồi, thủy phá nặng không thể sản xuất

nguyễn thành

“Hiện đã hết mưa nên núi Trang Dài hết sạt lở. Tuy nhiên, 2 ha lúa và 1 ha hoa màu của người dân bị sạt lở, sa bồi nặng quá không thể sản xuất trong vụ sắp đến được. 3 ha rừng trồng của người dân cũng phải trồng lại”, ông Thành nói.

Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cũng cho biết đợt mưa từ ngày 26.12 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 8.167 ha lúa mới gieo sạ và 197 ha hoa màu bị ngập úng, hư hỏng. Trong đó, tập trung nhiều tại H.Phù Cát 1.610 ha lúa, H.Tây Sơn 1.023 ha lúa và 176 ha hoa màu, TX.An Nhơn 1.534 ha lúa và 21 ha hoa màu, TX.Hoài Nhơn 1.304 ha lúa…

Ruộng lúa mới gieo sạ của nông dân Bình Định bị ngập úng

bảo thoa

Hiện chính quyền các địa phương trong tỉnh Bình Định đã yêu cầu các đơn vị khai thác công trình thủy lợi và người dân chủ động các giải pháp tiêu úng cho diện tích mới gieo sạ ở vùng trũng thấp, tháo dỡ các cửa đập, các cống, tràn qua đê, khơi thông các trục kênh tiêu để tiêu thoát nước nhanh cho diện tích lúa mới gieo sạ… Đồng thời, chính quyền các xã, phường hướng dẫn cho người dân tập trung chăm sóc lúa, tránh ốc bươu, sâu bệnh gây hại trên đồng ruộng, đặc biệt là chuột sau khi nước rút.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.