Bình Định vừa chống dịch Covid-19 vừa 'chia lửa' với TP.HCM

31/08/2021 20:43 GMT+7

Chiều 31.8, thêm 35 cán bộ, nhân viên y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bình Định và Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa (ở Bình Định) lên đường vào TP.HCM tham gia chống dịch Covid-19 .

Trưa cùng ngày, UBND tỉnh Bình Định tổ chức tiễn đoàn cán bộ, nhân viên y tế gồm 14 người (2 bác sĩ, 1 hộ sinh và 11 điều dưỡng) tình nguyện vào TP.HCM tham gia phòng chống dịch.
Dịp này, Bình Định cử thêm một bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tham gia công tác phòng, chống dịch và tập huấn, nâng cao năng lực hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19.
Trước đó, ngày 30.7, đoàn công tác gồm 17 cán bộ, nhân viên y tế tỉnh Bình Định (gồm 2 bác sĩ, 3 kỹ thuật viên xét nghiệm và 12 điều dưỡng) cũng lên đường tăng cường cho tỉnh Bình Dương chống dịch Covid-19 và 1 bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định vào TP.HCM tham gia tập huấn, nâng cao năng lực hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, đồng thời hỗ trợ Bệnh viện Chợ Rẫy phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long (phải) trò chuyện với 1 thành viên trong đoàn vào TP.HCM chống dịch Covid-19

HOÀNG TRỌNG

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long, từ ngày 28.6 đến nay, tỉnh này ghi nhận 702 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 7 người đã tử vong, 449 người được chữa khỏi và 246 người đang điều trị. Dù phải chịu tác động mạnh của dịch Covid-19 nhưng Bình Định cũng đã nỗ lực chung tay với nhiều hành động, đóng góp thiết thực cho TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh phía nam chống dịch.
Trong đó, Bình Định đã hỗ trợ kinh phí, lương thực, thực phẩm và tổ chức nhiều chuyến bay để đón người dân Bình Định tại TP.HCM về quê nhằm giảm bớt áp lực cho TP.HCM, đồng thời chi viện nhân lực y tế cho TP.HCM và các tỉnh phía nam phòng, chống dịch Covid-19.
“Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Bình Định đang diễn biến phức tạp, hơn ai hết các bác sĩ, nhân viên y tế đã góp sức trên tuyến đầu chống dịch trên quê hương. Tuy nhiên, trước yêu cầu công tác chống dịch của TP.HCM và các tỉnh phía nam, chúng ta phải xung phong lên đường chi viện cho miền Nam. Đây không những là tình cảm, trách nhiệm của đội ngũ thầy thuốc tỉnh nhà mà còn phát huy truyền thống quý báu của người thầy thuốc Việt Nam”, ông Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.

TP.HCM kêu gọi F0 Covid-19 khỏi bệnh hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm

Cũng trong chiều 31.8, Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa (thuộc Bộ Y tế, ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) tổ chức lễ xuất quân cho đoàn cán bộ, nhân viên y tế thứ 3 lên đường vào TP.HCM tham gia chống dịch Covid-19.
Đoàn công tác có 20 người (gồm 8 bác sĩ, 8 điều dưỡng và 4 kỹ thuật viên) của bệnh viện này sẽ đến nhận nhiệm vụ tại Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 tại Q.Tân Phú (TP.HCM - do Bệnh viện T.Ư Huế và các bệnh viện T.Ư thuộc Bộ Y tế đóng tại khu vực miền Trung tham gia điều hành - điều trị).

Đoàn công tác thứ 3 Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa vào TP.HCM chống dịch Covid-19

BỆNH VIỆN QUY HÒA

Như vậy, sau 3 đợt, Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa đã có 56 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm tình nguyện vào TP.HCM tham gia trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19.
“TP.HCM vẫn còn thiếu nhân lực và chúng tôi vẫn tiếp tục lên đường. Chúng tôi xác định chống dịch Covid-19 là trách nhiệm chung của “người chiến sĩ áo trắng”. Các y bác sĩ không quản gian khổ, hiểm nguy vì mục tiêu chiến thắng dịch bệnh, vì sức khỏe nhân dân, sớm đem lại cuộc sống bình thường mới. Chúng tôi cảm ơn sự quan tâm, động viên, hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần của mọi người dành cho các cán bộ, nhân viên y tế tình nguyện vào TP.HCM chống dịch”, bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa, nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.