Bình Định xưa 'mắt thấy tai nghe': An Thái và Kỳ Bương

14/07/2024 06:56 GMT+7

Ngày 15 tháng 12, chúng tôi rời Kim Châu lúc 9 giờ sáng. Trước đó chúng tôi đã gửi hành lý, đoàn tùy tùng, tất cả những người không đi ngựa lên đường và hẹn gặp nhau ở Kỳ Bương, một làng nhỏ không hẳn nằm trên hành trình của chúng tôi nhưng dân chúng theo Cơ Đốc giáo đang chờ đợi và muốn thết đãi chúng tôi.

Rời khỏi đường Cái quan chẳng xứng với tên gọi; chúng tôi nối đuôi nhau men theo một lối mòn hẹp dọc theo một con kênh tưới tiêu và vượt qua bốn cây cầu khỉ ọp ẹp bằng ván ghép.

Bất chấp những trở ngại này, những chú ngựa non nhỏ xíu vẫn sẵn sàng phục dịch chúng tôi với tốc độ 8 cây số/giờ. Chúng tôi đi qua một vài làng nhỏ và tới chợ lớn An Thái nằm ở hữu ngạn một nhánh của sông Đồng Phó (Tân An), con sông này thay đổi tên theo địa phương mà nó chảy qua.

An Thái là trung tâm buôn bán tơ lụa của tỉnh Bình Định. Ruộng dâu bạt ngàn hai bên bờ con sông nối khu chợ với miền cao Đồng Phó ở phía tây và cảng Thị Nại ở phía đông và giống như mọi dòng sông ở vùng đất tiếp giáp với rặng núi An Nam, nó tuôn lũ vào mùa mưa và bồi đắp phù sa màu mỡ cho hai bờ.

Vào mùa khô, sông cạn thành một dòng nhỏ hẹp uốn khúc giữa lòng sông rộng, để lại khoảng đất mênh mông hai bên cho người trồng trọt. Đất lập tức được đảo; những thân cây dâu của mùa trước bị đốn thành khúc dài chừng một bộ, giâm xuống từng luống như cây mía. Loài cây quý này không cần chăm bón gì nhiều nhưng lại cho những vụ mùa bội thu với lá mềm và rất giàu dinh dưỡng được những người nuôi tằm ưa chuộng.

Bình Định xưa 'mắt thấy tai nghe': An Thái và Kỳ Bương- Ảnh 1.

Đám rước Gia Long ở Qui Nhơn. Ảnh: Fanny Lemire

Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp

Những người ấy đem tới chợ An Thái tơ cuộn hoặc kén tằm đã ủ, bán cho người Hoa để họ xuất đi từ cảng Thị Nại. Lụa dệt, gấm và đũi thì được chế tác trong một vài gia đình ở các làng lân cận.

Thung lũng trù phú này còn cung cấp những mặt hàng khác. Gần An Thái có một làng sản xuất miến rất được người Hoa ưa chuộng và họ đã xuất khẩu một lượng đáng kể. Thứ miến này sợi mảnh, trắng, gần như trong suốt được làm từ bột gạo.

Cánh đồng trải dài phía trên những ruộng dâu dành để trồng lúa nước mỗi năm thu hoạch hai vụ nếu được tưới tiêu đều đặn. Kênh rạch tự nhiên hay kênh đào bằng sức người được tận dụng để dẫn nước cho vùng đất trũng; với những mảnh đất cao hơn mặt sông thì người ta sử dụng những máy móc rất đơn giản để đưa nước vào ruộng: gàu hoặc guồng nước. Gàu làm bằng tre đan, cố định vào hai sợi thừng, một sợi luồn qua miệng gàu, một sợi luồn dưới đáy gàu, như vậy bốn đầu của gàu nước được giữ bởi hai người, khi họ chụm lại gần nhau thì cái gàu hạ xuống để múc nước trong bể chứa ngăn giữa hai người, và khi họ đứng thẳng lên thì cái gàu đầy nước.

Khi cái gàu lên tới đỉnh quỹ đạo của nó thì một lực nhẹ của sợi dây sẽ làm nó nghiêng xuống và đổ toàn bộ nước vào bể chứa bên trên hoặc vào ruộng cần tưới. Guồng nước thì có dạng bánh xe với đường kính tầm 8 tới 10 mét, tất cả làm bằng tre trừ trục và giá đỡ. Những xô nước bị dòng chảy đập vào khiến cho guồng xoay chuyển động, những ống bằng tre bắt tréo với đường tròn hứng lấy nước khi bánh xe quay và khi lên tới đỉnh thì đổ xuống một bể chứa để từ đó chia thành nhiều nhánh nhỏ.

Những guồng nước khổng lồ này luôn hoạt động và tuôn trào, những cù lao chia cắt mặt sông bao la, những con thuyền như thoi đưa giữa hai bờ không ngừng chở khách và hàng hóa, những khóm nhà chen chúc trên bờ sông đem lại cho cảnh sắc một vẻ riêng biệt và dễ chịu.

Con sông ở đoạn An Thái rộng không quá 80 mét. Bến phà nằm trên bãi chợ có vẻ nhộn nhịp hàng hóa; tôi thấy ở đó có sáp ong An Khê, tức là lấy từ trên núi. Chúng tôi đi phà qua sông An Thái, đây chỉ là một nhánh của sông Đồng Phó và chúng tôi sớm gặp chợ Phú Hưng nằm ở hữu ngạn sông cái, chỗ này sông rộng tới 150 mét, và chúng tôi cũng qua sông, rời đường cái để thẳng tới Kỳ Bương.

Không còn đường đi lối lại gì nữa; chúng tôi phải băng qua cánh đồng, men theo những bờ đê cao và hẹp. Chúng tôi qua Chợ Dinh nằm bên trái, nổi bật với ba tòa tháp cổ đứng trên một gò đất nhỏ. Những tòa tháp vuông này giống hệt những tháp mà chúng tôi đã mô tả, và cũng đã tàn tạ đi nhiều. Trên một cột cửa của tháp trung tâm có ba ký tự chữ Hán: 丁亥年 [Đinh Hợi niên]; ba chữ khác là: 乙未年 [Ất Vị (tức Mùi) niên], cũng được khắc trên đá hoa cương, ở cùng một vị trí trong tòa tháp phía nam. Tên gọi năm bản thân nó không đủ để chỉ ra ngày tháng chính xác. Nó có thể là năm 1827 và năm 1825 hoặc cũng có thể là một năm nào đó nếu chúng ta cộng thêm hoặc trừ đi 60.

Chúng tôi tới Kỳ Bương lúc 11 giờ 40, đây là một ngôi làng nhỏ theo Cơ Đốc giáo và họ có một nhà thờ dựng lên nhờ lòng hảo tâm của một quý bà người Pháp. Chúng tôi đói nhưng cũng thất vọng vì nhận thấy không được đón đợi.

Người An Nam trước đó đã chịu trách nhiệm thông báo về sự xuất hiện của chúng tôi nay lại muốn cho chúng tôi thấy lòng hiếu khách của họ; những người ấy sống ở làng bên cạnh và muốn giành lấy vinh dự thết đãi nhà truyền giáo một lần cuối cùng. Nhưng với sự khôn ranh thường thấy, họ đã lờ không thông báo kế hoạch này mà để chúng tôi đi qua ngôi làng đáng nhẽ phải dừng chân từ lâu.

Cực chẳng đã chúng tôi phải dùng cơm với trứng lộn. Những quả trứng lộn thực sự là trải nghiệm khủng khiếp ngay cả khi bụng đói cồn cào! Cha I…, người đã chế ngự được xác thịt đến mức bỏ bữa để cho tôi được thoải mái lựa chọn hơn. (còn tiếp)


(Thư Nguyễn trích dịch từ tạp chí Excursions et reconnaissances năm 1886)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.