Bình Định xưa 'mắt thấy tai nghe': Thị tứ Đồng Phó

15/07/2024 07:31 GMT+7

Đúng 2 giờ, chúng tôi lên ngựa và trở lại con sông mà trước đó chúng tôi đã rời đi để thẳng tới Kỳ Bương; chúng tôi gặp lại sông ở chợ Cai-coc.

Từ đó men theo bờ cát chúng tôi xuống thung lũng nơi con sông đổ ra cửa Phù Ly. Chỗ này rộng khoảng 4 cây số, thung lũng thu hẹp dần khi mặt đất từ từ dâng lên. Nơi đây được canh tác xanh tốt và có nhiều làng mạc, chợ búa, trong đó quan trọng nhất là chợ Hà Nhung. Sau khi qua sông, chúng tôi lại một lần nữa men theo hữu ngạn và tới điểm cuối hành trình là Đồng Phó.

Đồng Phó là một trung tâm lớn bởi địa thế và thương mại. Nó nằm ở điểm hợp lưu của con sông mà chúng tôi đã vượt qua không biết bao nhiêu lần và một dòng chảy không có tên. Có thể nói rằng ngay cả sông lớn cũng không có tên.

Bình Định xưa 'mắt thấy tai nghe': Thị tứ Đồng Phó- Ảnh 1.

Quy Nhơn năm 1888

Ảnh: Fanny Lemire - Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp

Trong các tài liệu chính thức sông gọi là Tân An, đây hoàn toàn là một cái tên xa lạ với xứ sở này. Chỉ khi gọi là sông Đồng Phó thì người An Nam trong tỉnh mới hiểu.

Con sông vô danh này được dùng để gọi 3 ngôi làng nằm gần Đồng Phó: Tả Giang là làng bên trái, Hữu Giang là làng bên phải, và Thượng Giang là làng phía trên con sông.

Đồng Phó bắt nguồn từ dãy núi không xa, chảy theo hướng bắc nam và lưu vực của nó chia cắt với lưu vực sông Ba cũng bởi dãy núi ấy. Dòng chảy có thể đi thuyền vào mùa mưa và chúng tôi đã gửi một phần hành lý tới Đồng Phó từ trước.

Để đảm bảo có thể giao thông trong suốt năm thì người An Nam trước đây đã lập một dự án đào kênh dẫn nước sông Ba vào sông Đồng Phó nhưng dự án chưa bao giờ thành hình dù không phải là bất khả thực hiện.

Sản vật trong vùng này cũng tương tự ở An Thái: dâu tằm trên hai bờ sông, lúa gạo ở phần đất trũng ẩm và mía ở phần đất khô.

Điển nông sứ và công cuộc mở đất

Chính ở Đồng Phó, lần đầu tiên tôi đã gặp một nhân vật có chức danh khá khiêm tốn và tùy theo từng tỉnh, nhân vật này đã và vẫn đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử di dân An Nam. Quan kinh lý hay chính xác hơn là điển nông sứ, chịu trách nhiệm tập hợp những lưu dân An Nam vì lý do nào đó phải lìa bỏ quê quán và vượt biên giới, hướng họ khai phá, mở mang đất đai và nếu cần thiết thì bảo vệ họ.

Bình Định xưa 'mắt thấy tai nghe': Thị tứ Đồng Phó- Ảnh 2.

Ba ông quan lớn ở Bình Định năm 1888

Ảnh: Fanny Lemire - Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp

Chức kinh lý đã có từ năm 1344 và hoàn cảnh thúc đẩy nó ra đời đủ để cho thấy mục đích chính là khuyến khích dân chúng mở mang biên cảnh. Hai mươi đội lính giản có nhiệm vụ bảo vệ thành quả nông nghiệp và những yếu tố khác. Nhưng từ trước giữa thế kỷ 14 họ đã áp dụng mô hình di dân này vào thực tế.

[…] Trên thực tế, lịch sử của họ đã cho thấy thời kỳ đầu cũng như giai đoạn mới đây, dân tộc này tiến hành các cuộc mở mang lần hồi lần hồi thay vì chiến tranh đẫm máu…

[…] Chắc chắn lưu dân bao gồm nhiều thành phần phải tha hương: những con nợ khốn cùng, những người không căn cước, tội phạm bỏ trốn và đôi khi cả những tù nhân.

Trên thực tế có những tội ác bị trừng phạt bằng án lưu đày trong hoặc ngoài xứ. […]

Sau khi hết án lưu đày trở về, tù nhân được trả lại tự do, thậm chí còn tìm lại được gia đình vì luật pháp quy định người vợ và thê thiếp phải để con cái cha mẹ lại mà đi theo chồng. Một hình phạt khác là sung lính vào đội quân chịu trách nhiệm dưới sự chỉ huy của kinh lý, bảo vệ những người mới đến định cư. Những di dân mới này đều nhanh chóng bén rễ và chỉ sau một hoặc hai thế hệ; khi đó biên giới chính thức của vương quốc được mở rộng và đồng thời, đất đai giao cho lưu dân mới cũng tăng lên. […]

[…]

Trú sở chính An Khê là xứ lam chướng trong khi ở Đồng Phó trung tâm giàu có, thuận tiện, quan kinh lý cất một ngôi nhà khang trang.

Kinh lý Đồng Phó vốn là người hòa nhã, biết dùng lời lẽ thân thiện mà che giấu cảm xúc hỗn độn đối với người Pháp và tỏ ra ham chuộng các sản phẩm đến từ châu Âu.

Điều này không ngăn cản ông hãnh diện khoe bộ đồ nội thất bằng gỗ cẩm lai, thứ gỗ quý nhất trong vùng mà thợ mộc đang chạm khắc ngay trước mắt chúng tôi bằng một gu thẩm mỹ và trí tuệ tuyệt vời. Từ sân hiên nhà ông nhìn xuống, thung lũng và dòng sông từ phía bắc chảy tới, theo hướng đó là sáu, bảy ngôi làng trải dọc bờ sông cho tới biên giới; trên một gò đất lân cận còn thấy tàn tích của một vài ngôi nhà, đống đổ nát của một ngôi làng bị dân cư bỏ lại mà chạy trốn sự hung hãn của lũ cọp. Đây đích thị là vương quốc của loài cọp dữ chuyên ăn thịt người,mỗi năm cướp đi hàng trăm sinh mạng trong vùng.


(Thư Nguyễn trích dịch từ tạp chí Excursions et reconnaissances năm 1886)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.