Bình Dương: Gỡ khó cho các doanh nghiệp ngành hàng và đầu tư trong nước

04/10/2024 16:30 GMT+7

Sáng 4.10, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị đối thoại, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành hàng và nhà đầu tư trong nước đang gặp một số vướng mắc.

Dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở ngành liên quan…

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Q.C\

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội nghị

Ảnh: Q.C

Đề nghị cơ cấu nợ, giảm lãi suất

Tại hội nghị, một số doanh nghiệp (DN) ngành hàng cho biết hiện nay mặc dù đã có đơn hàng xuất khẩu nhưng do DN vẫn còn tồn kho nhiều nên dòng tiền bị đóng băng; DN không đủ tiền để trả các khoản vay đến hạn.

Vì vậy, nhiều DN kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách cơ cấu nợ, gia hạn nợ để thêm thời gian thanh toán các khoản vay và duy trì được dòng vốn, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh vượt qua thời kỳ khó khăn và cũng không làm tăng thêm nợ xấu của ngân hàng.

Kiến nghị các ngân hàng thương mại có chính sách giảm lãi suất phù hợp với mặt bằng lãi suất hiện nay, đối với các khoản vay trung hạn đã vay trước đó (năm 2022, 2023)… Các ngân hàng thương mại và các quỹ tín dụng hướng dẫn và tạo điều kiện cho DN tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp để có nguồn vốn duy trì sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ…

Ngoài ra, một số DN còn kiến nghị xem xét giải quyết về thủ tục hoàn thuế của DN như thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu của loại hình xuất nhập khẩu tại chỗ, nhằm giảm ứ đọng vốn.

Hiệp hội dệt may cũng kiến nghị cơ quan chức năng xem xét miễn, giảm mức phạt do thiếu báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong thời gian trước, để DN tập trung đầu tư chi phí hoàn thiện giấy phép môi trường theo quy định.

Các DN còn kiến nghị hỗ trợ tăng cường xúc tiến thương mại đến các thị trường truyền thống như: châu Âu, Hoa Kỳ và mở rộng các thị trường mới như Ấn Độ và Trung Đông. Tổ chức các chương trình hội chợ trong nước để giải quyết tình trạng hàng tồn kho và hướng đến thị trường tiêu thụ nội địa. Hỗ trợ về khuyến công như hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

Đại diện DN nêu kiến nghị  Ảnh: Q.C

Đại diện DN nêu kiến nghị

Ảnh: Q.C

Cơ quan chức năng nói gì?

Trả lời kiến nghị của các DN, đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Dương cho biết kết quả cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các DN trên địa bàn. Tính đến cuối tháng 8.2024, lũy kế tổng dư nợ gốc, lãi có số dư được cơ cấu lại thời hạn là 4.121 tỉ đồng cho gần 863 lượt khách hàng.

Về chính sách giảm lãi suất phù hợp với mặt bằng lãi suất hiện nay, đối với các khoản vay trung hạn đã vay trước đó (năm 2022, 2023), NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo luật định.

Đồng thời NHNN bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để điều hành lãi suất kết hợp với các công cụ chính sách tiền tệ khác đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Đại diện sở, ngành trả lời- Ảnh: T.N

Đại diện sở, ngành trả lời

Ảnh: T.N

NHNN cũng đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tích cực triển khai các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Từ đầu năm 2020 đến nay NHNN đã nhiều lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm…

Về hỗ trợ xúc tiến thương mại đến các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Trung Đông, đại diện Sở Công thương Bình Dương đề nghị Hiệp hội ngành hàng tích cực phối hợp với sở này trong việc xây dựng chương trình hàng năm phù hợp, đặc biệt phải đảm bảo nêu rõ các nội dung như: thị trường mục tiêu, các mặt hàng cụ thể cần xuất khẩu sang thị trường tiềm năng, số lượng DN dự kiến tham gia… nhằm tránh tình trạng đăng ký nhưng không triển khai thực hiện.

Về giải quyết tình trạng hàng tồn kho và mong muốn được phát triển tại thị trường nội địa, đại diện Sở Công thương cho rằng cần có sự chủ động nhiều hơn từ phía các DN trong việc phối kết hợp cũng như đăng ký tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do cơ quan này tổ chức.




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.