Bình lặng Warsaw

01/06/2012 03:20 GMT+7

Khi chúng tôi đến vào hôm qua, Warsaw như nàng tiên cá còn ngái ngủ bên dòng Vistula. Một tuần nữa, Euro 2012 khai mạc, nhưng cơn sốt bóng đá như người ngoài hình dung vẫn chưa xuất hiện.

Khi chúng tôi đến vào hôm qua, Warsaw như nàng tiên cá còn ngái ngủ bên dòng Vistula. Một tuần nữa, Euro 2012 khai mạc, nhưng cơn sốt bóng đá như người ngoài hình dung vẫn chưa xuất hiện. 

Xế trưa, Warsaw đón chúng tôi bằng cái nắng nhẹ của buổi chớm hè. Sân bay mang tên thiên tài âm nhạc Frederic Chopin ở ngoại vi vừa được nâng cấp để phục vụ Euro 2012 khá thưa vắng, cứ như là một phi trường tỉnh lẻ ở Việt Nam. Những đoàn cổ động viên đầy sắc màu, những tiếng reo hò sôi động vẫn chưa xuất hiện. Hình ảnh bóng đá chỉ xuất hiện ở một vài bảng hiệu quảng cáo của nhà tài trợ McDonald, một vài biển chỉ đường hay vài mẩu đề can dán trên xe hơi. Sự kiện thể thao mà Thủ tướng Donald Tusk gọi là “mốc lịch sử của Ba Lan”, tưởng như còn ở rất xa. 

 Bình lặng Warsaw
Một áp phích hiếm hoi cổ động cho các fan đến Ba Lan - Ảnh: Đ.H

Sức sống mãnh liệt

Warsaw nằm ở vùng bình nguyên miền trung Ba Lan. Với gần 2 triệu dân, thành phố này từng được người ta ví là “Paris của miền đông châu Âu”. Người Ba Lan gọi kinh đô của mình là Warszawa (đọc như Vác-sa-va trong tiếng Việt), còn người Anh lại phiên âm thành Warsaw. Cái tên Warsaw này, vô hình trung, lại như là một đúc kết định mệnh cho thành phố. Có rất nhiều dị bản trong cách diễn dịch ý nghĩa của tên gọi Warszawa, nhưng tôi muốn căn cứ vào cái tên tiếng Anh của thành phố để diễn dịch theo cách của mình. War trong tiếng Anh nghĩa là chiến tranh, còn saw là nhìn thấy (động từ ở thì quá khứ).

Thật vậy, để trở thành một thành phố năng động và tràn đầy sức sống như ta gặp hôm nay, Warsaw đã không biết bao lần đứng lên sau những cuộc chiến điêu tàn. Có lúc, thủ đô Ba Lan đã bị biến thành tro bụi, tưởng chừng như không có cơ hội hồi sinh. Trong Thế chiến 2, Adorf Hitler đã ra lệnh san bằng Warsaw sau khi dẹp được cuộc khởi nghĩa của người dân thành phố. Những thư viện, lâu đài, cung điện, nhà hát, những nhà thờ Do Thái trở thành tro bụi. Chiến tranh qua đi, Warsaw còn trải qua một thời gian dài thăng trầm nữa, trước khi bắt đầu trỗi dậy từ những đổi thay trong hai thập niên trở lại đây.

Giờ đây, khi đến với Warsaw, khách thập phương lại bắt gặp một thành phố thơ mộng nhưng đầy sức sống. Dòng Vistula hiền hòa xẻ đôi Warsaw thành hai nửa, tả ngạn và hữu ngạn, với những công trình hiện đại đan xen những kiến trúc cũ xưa. Chiến tranh khốc liệt đã không làm tàn lụi Warsaw. Trái lại, sau mỗi cuộc bể dâu, đô thị này lại trỗi lên với vẹn nguyên sức sống. Để hôm nay, thành phố quyến rũ này đang trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới, khi sự kiện bóng đá lớn nhất nhì hành tinh khởi cuộc từ nơi đây.

Để phục vụ Euro 2012, sự kiện mà Thủ tướng Donald Tusk gọi là “dấu mốc lịch sử của đất nước”, đồng chủ nhà Ba Lan đã chi hàng tỉ euro để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trọng tâm của nỗ lực này là Sân vận động Quốc gia được xây mới. Công trình này ngốn một khoản đầu tư tương đương 500 triệu euro. Không chỉ có sân bóng, hệ thống giao thông cũng đã được nâng cấp, xây mới đáng kể.

Sân bay Frederic Chopin, vốn chỉ là một sân bay khiêm tốn ở châu Âu, giờ đây đã được nâng cấp với một nhà ga hiện đại, sẵn sàng đón hàng trăm ngàn lượt cổ động viên từ khắp châu lục và trên toàn thế giới đổ về. Hàng loạt ga tàu điện, đặc biệt là các tuyến nối với Sân vận động Quốc gia, cũng đã được mở rộng, để có thể chuyên chở cả trăm ngàn người tới các điểm thi đấu. Chẳng hạn như hệ thống tàu điện nối với Sân vận động Quốc gia có thể phục vụ tới 30.000 hành khách chỉ trong vòng 1 giờ. 

Giấc mơ hồi sinh

“Chưa có gì đâu. Người Ba Lan nói chung khá thờ ơ với bóng đá, nên lúc này bạn sẽ khó tìm thấy một không khí sôi động. Có lẽ vài ngày nữa, khi các đội tuyển và cổ động viên nước ngoài tới thì chúng ta mới được chứng kiến không khí hội hè”, anh Vũ, một người Việt sống tại ngoại vi Warsaw đón chúng tôi ở sân bay, đã giải thích như vậy khi thấy những đồng hương mới đến băn khoăn về không khí trầm lắng nơi đây. Ở trung tâm thương mại người Việt nằm bên ngoài Warsaw, khái niệm bóng đá và Euro 2012 càng xa vời, ngoại trừ một vài câu chuyện về các phóng viên Việt Nam ghé qua.

Có lẽ sau một thời gian quá lâu phải chứng kiến nền bóng đá quốc gia mãi lận đận với thân phận “tay chơi hạng hai”, cổ động viên xứ sở này trở nên kém mặn mà với bóng đá. Nhìn thân phận đội tuyển Ba Lan hôm nay, thật ít ai ngờ họ từng có một quá khứ hào hùng thời thập niên 1970-1980, với những tên tuổi lừng danh như Lato, Boniek… Đội tuyển Ba Lan lúc ấy nằm trong nhóm những đại gia thế giới, từng đánh bại cả Brazil. Họ vô địch Olympic, nhiều lần tiến tới sát sạt ngôi vua thế giới và châu Âu. Nhắc đến họ, những đội tuyển lừng danh nhất cũng phải e dè. Thế rồi, thời gian vật đổi sao dời, gã khổng lồ năm xưa giờ trở nên bé tẹo.

Warsaw trầm lắng, nhưng có thể hình dung rằng trong vài ngày nữa, thành phố bên dòng Vistula này sẽ tưng bừng như bất cứ nơi nào từng diễn ra các trận đấu của Euro. Có thể hình dung điều này khi rảo qua các khách sạn, khu nhà trọ. Hầu hết khách sạn, nhà trọ ở Warsaw và các vùng phụ cận đều đã được đặt kín chỗ, dù giá phòng rất cao.

Trong hoàn cảnh phần lớn người dân Ba Lan ngày càng thờ ơ, những người làm bóng đá xứ sở này muốn tận dụng cơ hội Euro 2012 để làm trỗi lại tinh thần xưa, đối với cả cầu thủ lẫn người hâm mộ. Tương tự như một diện mạo mới mà người Ba Lan đã tìm thấy, đã trỗi dậy, sau một thời gian dài thăng trầm.

Đỗ Hùng
(từ Warsaw, Ba Lan)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.