Bình phẩm người khác để làm gì?

03/12/2018 21:05 GMT+7

Cho dù không hiểu gì về người khác nhưng lại nghĩ rằng đã tường tận từng 'chân tơ kẽ tóc' để rồi thoải mái phán xét, bình phẩm. Thói quen này dường như là 'bệnh' của không ít người trẻ.

Phán... như đúng rồi
Phan Trang Thùy (sinh viên Trường CĐ Miền Nam) cho biết cảm thấy khó chịu khi bị không ít chỉ trích, đồn đoán về bản thân từ những người bạn cùng lớp, dù rằng nữ sinh này khẳng định không phải như vậy.
Theo đó, Thùy bức xúc kể lại chuyện mình bị những người bạn cùng lớp, trong đó có cả những người không thân thiết, thậm chí chưa từng nói chuyện lần nào, nhưng cũng thản nhiên "phán" Thùy là cháu của một lãnh đạo trong khoa nên được ưu ái từ các giảng viên, điểm số các môn học luôn cao. Chưa kể, nữ sinh này còn bị "đồn thổi"... thay người yêu như thay áo. "Nghe những điều không đúng về mình, tức và uất ức vô cùng", Thùy nói.

Có lẽ đây không phải là trường hợp duy nhất cảm thấy chán ngán việc bị người khác bình phẩm về cuộc sống riêng tư. Trần Ý Nhi, sinh viên Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM, kể chuyện bị không ít người "dự đoán" chắc... cặp bồ với đại gia, khi thấy nữ sinh này thường đến trường bằng ô tô, sử dụng điện thoại giá trị cao... "Chẳng ai biết rằng mình đi... xe công nghệ đến trường, còn điện thoại là món quà để tự thưởng cho bản thân bằng số tiền tự dành dụm được. Vậy mà đến trường, bị người này người kia chỉ chỏ", Nhi ngao ngán kể lại.
Nhiều người trẻ tâm sự đã từng, ít nhất một lần, là "chủ đề chính" trong những câu chuyện mà bạn bè tán gẫu. Dù chưa từng kể lể về đời sống riêng tư, về gia đình, về những người thân trong gia đình... thế nhưng vẫn được người khác "phán"... như đúng rồi.
Chính điều đó đã khiến không ít người cảm thấy mỏi mệt. "Nhiều lần định giải thích, kể về bản thân, nhưng nghĩ lại kể ra làm gì", Thùy trải lòng.
Chú tâm vào bản thân thay vì "lo" cho người khác
Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM), cuộc sống của mỗi người, chỉ có người đó biết, còn người ngoài thì không bao giờ có thể hiểu hết, tường tận hết được. Ngược lại, cuộc sống của người khác, thì bạn cũng chẳng thể nào hiểu hết. Chính vì thế, đừng biến bản thân trở thành người "nhiều chuyện", bàn luận suy diễn linh tinh. Không biết gì thì đừng bao giờ bình phẩm về cuộc đời người khác.
Nguyễn Trọng Tuyển, kỹ sư xây dựng, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng từng là "nạn nhân" của hiện tượng bị người khác "ngồi lê đôi mách", để rồi "vẽ" ra những câu chuyện không có thật về anh. Tuyển bảo: "Nhìn thấy người khác mang đôi giày đẹp, chưa hẳn là bản thân mình sẽ mang vừa hay không vừa, chưa nói đến có đẹp hay không. Chỉ khi nào mang vào chân mới biết là vừa hay chật. Cũng như trong cuộc sống, thấy người khác như thế, nhưng chưa hẳn là hiểu hết nguồn cơn sự việc, lý do câu chuyện, nên đừng bao giờ 'tọc mạch' chuyện không liên quan đến mình".
Thạc sĩ tâm lý Trương Thị Thúy Hằng, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Sơn (TP.HCM), cũng nhìn nhận có một  bộ phận người trẻ vướng vào thói quen không tốt, đó là hay thích suy diễn, bàn tán chuyện của người khác, mặc dù họ chẳng hề biết thực hư như thế nào.
"Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Có những điều mà người ngoài thì không bao giờ hiểu được chi tiết cả. Thế nên không phải là họ, không ở trong hoàn cảnh giống họ, thì đừng nên vội vàng nói điều gì về họ cả", bà Hằng nói.
Ông Dương chia sẻ thêm: "Không bình phẩm về người khác là phép lịch sự tối thiểu mà con người cần có với nhau. Đừng tùy tiện bình luận hay phán xét ai đó nếu bạn chưa hiểu rõ về họ. Thậm chí kể cả khi bạn thân thiết với người đó, thì lời nói của chúng ta càng cần sự cẩn trọng hơn".
Bà Hằng thì cho rằng thay vì quan tâm quá mức đến cuộc sống của người khác, quá "lo" cho người khác như vậy thì hãy toàn tâm toàn ý thực hiện những mục tiêu của bản thân. Vừa giúp bản thân phát triển hơn, vừa tránh những "vạ miệng" đáng tiếc"...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.