Bình Phước: Còn thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho chương trình mới

19/04/2023 17:25 GMT+7

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh dẫn đầu đã có buổi giám sát tại Bình Phước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ngày 19.4, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88 ngày 28.11.2014 và Nghị quyết số 51 ngày 21.11.2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông tại Bình Phước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chương trình, SGK GDPT tại Bình Phước - Ảnh 1.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh báo cáo tại buổi giám sát

HOÀNG GIÁP

Dự buổi giám sát có Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cùng đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh Bình Phước.

Báo cáo tại buổi giám sát, bà Trần Tuyết Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết tính đến năm 2022, Bình Phước có 265 cơ sở giáo dục cấp tiểu học, THCS, THPT với 6.305 lớp, 207.527 học sinh, 695 cán bộ quản lý và gần 12.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chương trình, SGK GDPT tại Bình Phước - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi giám sát

HOÀNG GIÁP

Chương trình, SGK giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh Bình Phước thời gian qua đã được thực hiện đúng lộ trình quy định và bước đầu đạt kết quả tốt. Ngành GD-ĐT tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá và đổi mới phương pháp dạy học, góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, giúp hầu hết giáo viên và học sinh sáng tạo hơn; các bậc cha mẹ học sinh đồng lòng ủng hộ, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chương trình, SGK GDPT tại Bình Phước - Ảnh 3.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại buổi giám sát

HOÀNG GIÁP

Một số vấn đề cũng được UBND tỉnh Bình Phước nêu ra như: Giá của SGK mới đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn là tương đối cao. Năm học 2021-2022, tỉnh còn thiếu 490 giáo viên. Dự báo biên chế viên chức giáo dục cần bổ sung tăng thêm đến năm 2026 của tỉnh là 3.448 biên chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 còn thiếu khá nhiều, nhất là ở các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác mua sắm thiết bị dạy học bằng vốn đầu tư công để phục vụ triển khai chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2, 3, 6, 7, 10 vẫn chưa thể thực hiện nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy, học.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường cho rằng dù còn nhiều khó khăn nhưng Bình Phước vẫn nỗ lực thực hiện các mục tiêu của giáo dục như giáo dục năng khiếu, giáo dục đại trà và đào tạo nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, cùng với phát triển các chính sách về giáo dục, Bình Phước sẽ tăng cường hơn nữa, nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, cũng như thực hiện đầy đủ hiệu quả chương trình GDPT 2018.

Tỉnh Bình Phước kiến nghị Chính phủ không thực hiện tinh giản biên chế theo hình thức cào bằng, cơ học hằng năm đối với tất cả các địa phương; xem xét bổ sung 1.489 biên chế cho tỉnh; có chế độ ưu tiên đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn trong việc sử dụng SGK mới với giá thành rẻ hoặc cấp miễn phí…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chương trình, SGK GDPT tại Bình Phước - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao việc Bình Phước quan tâm triển khai chương trình GDPT 2018

HOÀNG GIÁP

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá Bình Phước đã rất quan tâm đến việc triển khai chương trình GDPT 2018 nói riêng và giáo dục nói chung. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mong rằng tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác vận động phụ huynh cùng chia sẻ, đồng hành với ngành giáo dục. Ngoài hoàn tất các chỉ số chuẩn hóa trường, lớp, trang thiết bị..., tỉnh cần phải dự báo nhu cầu học tập, biến động về dân cư, phân bổ cho đối tượng người học để có những chính sách phù hợp, ứng phó những khó khăn phát sinh. Đặc biệt, trong 2 năm còn lại triển khai chương trình GDPT 2018, tỉnh cần phải có kế hoạch cụ thể cho từng nội dung và giải pháp.

Kết luận tại buổi giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đánh giá mặc dù điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn nhưng Bình Phước đã quan tâm đúng mức việc đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục; thực hiện chương trình lựa chọn SGK đúng quy định, có những kiến nghị, đề xuất đến Bộ GD-DT cũng như các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tỉnh tháo gỡ khó khăn về kinh phí, biên chế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chương trình, SGK GDPT tại Bình Phước - Ảnh 5.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi giám sát

HOÀNG GIÁP

Trong quá trình triển khai chương trình GDPT 2018, Bình Phước cần rà soát, đánh giá quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh để xem xét, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu hơn, từ đó đồng thuận, chia sẻ những khó khăn của ngành giáo dục tỉnh nói riêng, ngành giáo dục cả nước nói chung; tăng cường thu hút, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.