Bình Phước: Ngăn chặn vụ 'bác sĩ Liên Hiệp Quốc' lừa đảo người phụ nữ 64 tuổi

02/11/2023 15:50 GMT+7

Công an tỉnh Bình Phước đã kịp thời ngăn chặn vụ giả danh bác sĩ của Liên Hiệp Quốc để lừa đảo.

Ngày 2.11, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh Bình Phước cho biết vừa ngăn chặn vụ giả danh bác sĩ của Liên Hiệp Quốc (LHQ) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo trình bày của bà V.T.M (64 tuổi, ngụ H.Đồng Phú), cách đây khoảng 3 tháng, có tài khoản Facebook tên Mario Cheng, tự xưng là bác sĩ đang làm việc cho LHQ tại Somalia kết bạn với bà. Hàng ngày, giữa 2 người thường xuyên nhắn tin trao đổi qua lại về cuộc sống.

Qua trò chuyện, vị "bác sĩ" này cho biết hoàn cảnh gia đình ở Việt Nam có người vợ đã mất vì tai nạn giao thông, con còn nhỏ học ở trường nội trú, bố mẹ và anh em không còn nên nhận bà M. làm chị gái.

Ngày 31.10, người này nhắn tin nói muốn nghỉ phép về thăm con gái, vì đi công tác đã khá lâu, nhưng phải có người thân ở Việt Nam bảo lãnh. Sau đó, người này gửi cho bà M. một tài khoản Gmail để đăng nhập lấy tờ đơn xin nghỉ phép (đã được soạn sẵn) và hướng dẫn cách thức gửi vào Gmail của LHQ.

Sau đó, bà M. nhận được phản hồi từ Gmail của LHQ rằng muốn nghỉ phép thì có 3 gói lựa chọn để đóng phí. Cụ thể, gói nghỉ phép 90 ngày mất phí 650 triệu đồng, gói 60 ngày mất phí 540 triệu đồng, gói 30 ngày mất phí 150 triệu đồng.

Bình Phước: Ngăn chặn vụ giả danh bác sĩ của Liên Hiệp Quốc để lừa đảo - Ảnh 1.

Bà V.T.M đến trình báo tại cơ quan công an

HG

Bà M. báo lại có 3 gói đóng phí để nghỉ phép, thì người "em trai" mượn 110 triệu đồng để đủ tiền đóng phí. Khi bà M. bày tỏ sự băn khoăn việc cho mượn tiền thì người "em trai" liên tục nhắn tin năn nỉ là nhớ quê hương và nhớ con gái, chỉ cần bà M. cho mượn 110 triệu để đóng phí, khi về nước sẽ hoàn trả đầy đủ. Do rủ lòng thương người nên bà M. đã chuyển khoản số tiền 10 triệu đồng cho "em trai".

Nhận được tiền, vị "bác sĩ" liên tục nhắn tin nhờ bà M. chuyển tiếp 100 triệu đồng để kịp chuyến bay của LHQ về Việt Nam. Khi về nước, sẽ đến nhà bà M và hoàn trả đầy đủ số tiền 110 triệu đồng.

Ngày 1.11, khi bà M. đến ngân hàng rút 100 triệu đồng tiền tiết kiệm để gửi cho "em trai" thì gia đình phát hiện nên báo cho PA05 Công an tỉnh Bình Phước phối hợp ngân hàng kịp thời ngăn chặn.

Qua vụ việc trên, PA05 Công an tỉnh Bình Phước cảnh báo người dân về tình trạng lừa đảo dưới hình thức công nghệ cao đang diễn ra khá phổ biến. Kẻ gian sử dụng rất nhiều thủ đoạn tinh vi để đánh lừa nạn nhân. Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng công an thì người dân cần đề cao cảnh giác, xác minh kỹ thông tin trước khi chuyển tiền theo những yêu cầu qua mạng xã hội.

Hiện vụ việc giả danh bác sĩ của LHQ để lừa đảo đang được Công an tỉnh Bình Phước tiếp tục xác minh, làm rõ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.