Ngày 30.8, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện thị, thành phố (DDCI) thuộc tỉnh Bình Phước năm 2023.
DDCI chỉ ra những hạn chế, yếu kém
Ông Trần Văn Mi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết năm 2021 là năm đầu tiên tỉnh thực hiện đánh giá DDCI. Việc đánh giá DDCI đã giúp từng cơ quan, đơn vị xác định rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm của đơn vị mình. Từ đó đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy cải thiện chỉ số PCI của tỉnh.
Năm 2022, chỉ số PCI của tỉnh đã tăng 2,15 điểm (từ 62,17 lên 64,32 điểm), tăng 7 bậc (từ vị trí 50 lên 43/63 tỉnh, thành).
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, so sánh với khu vực Đông Nam bộ, chỉ có Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu tăng điểm số và thứ hạng. Bình Phước đã có nhiều nỗ lực để rút ngắn khoảng cách so với các tỉnh, thành còn lại.
Những "điểm nghẽn" và khuyến nghị
Tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thạch và ông Đinh Thế Minh, chuyên gia kinh tế, tư vấn trưởng DDCI Bình Phước đã chỉ ra những hạn chế, "điểm nghẽn" cần khắc phục để cải thiện chỉ số PCI, DDCI như việc doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện; thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian, rủi ro bị thu hồi đất tăng; việc lựa chọn giải quyết các vụ kiện kinh tế ở tòa án và đánh giá tình hình an ninh trật tự vẫn còn chưa tốt. Doanh nghiệp cũng mong đợi thông tin hữu ích về các quy định, thủ tục hành chính trên website của tỉnh được cung cấp nhiều hơn…
Các khuyến nghị được đưa ra đối với các sở, ngành, địa phương như, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện thủ tục hành chính theo phương thức trực tuyến; khắc phục hiện tượng hồ sơ nộp trực tuyến bị "ngâm" ở phòng chờ; giải quyết các khó khăn trong việc tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh của doanh nghiệp; tình hình an ninh trật tự như trộm cắp, đột nhập trái phép, lấn chiếm đất đai xây dựng trái phép, vi phạm quy định bảo vệ môi trường và cả hiện tượng một số doanh nghiệp phải trả chi phí "bảo kê" để được yên ổn làm ăn.
Xây dựng chính quyền minh bạch, hành động và kiến tạo
Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu lãnh đạo các sở, ban ngành, chủ tịch UBND các địa phương cần tập trung giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, không phân biệt giữa doanh nghiệp lớn, nhỏ hay vừa, doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp FDI; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; việc phục vụ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân là trách nhiệm của các cấp chính quyền, của công chức, viên chức trong tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc xây dựng chính quyền minh bạch, hành động, kiến tạo, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Đồng thời rà soát các hạn chế, đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm cải thiện chỉ số DDCI tại cơ quan, đơn vị nói riêng và chỉ số PCI của tỉnh nói chung.
Bình luận (0)