Đó là một số cảnh tượng do những binh sĩ Ukraine trở về từ các tiền tuyến ở vùng Donbass thuộc miền đông Ukraine mô tả lại khi trả lời phỏng vấn với hãng tin AP gần đây. Trong đó, một số người phàn nàn về vấn đề tổ chức hỗn loạn, đào ngũ và ảnh hưởng tâm thần do pháo kích liên tục gây ra. Nhưng cũng có những người khác thì cho rằng nhuệ khí dâng cao, quyết tâm chiến đấu đến cùng.
“Địa ngục” ở Severodonetsk
Trung úy Volodymyr Nazarenko (30 tuổi), chỉ huy thứ hai của tiểu đoàn Svoboda thuộc Vệ binh Quốc gia Ukraine, đã cùng với các binh sĩ rút khỏi thành phố Severodonetsk thuộc tỉnh Luhansk trong vùng Donbass theo lệnh của chỉ huy. Trong trận chiến kéo dài một tháng, xe tăng Nga đã phá hủy mọi vị trí phòng thủ tiềm năng của lực lượng Ukraine và biến thành phố Severodonetsk với dân số 101.000 người trước chiến tranh thành “một sa mạc bị thiêu rụi”, theo ông Nazarenko. “Họ nã pháo chúng tôi mỗi ngày... Thành phố đã bị san bằng”, ông Nazarenko kể lại.
Một quân nhân Ukraine trong chiến hào ở tỉnh Luhansk vào ngày 18.6 |
Reuters |
Vào thời điểm đó, Severodonetsk là một trong 2 thành phố lớn thuộc tỉnh Luhansk còn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Khi lệnh rút quân được đưa ra vào ngày 24.6, binh sĩ Ukraine đã bị bao vây 3 phía. “Nếu có một địa ngục nào đó trên trái đất này, thì đó là ở Severodonetsk,” Artem Ruban, binh sĩ thuộc tiểu đoàn của ông Nazarenko, khẳng định. “Họ đã chiến đấu cho đến phút cuối cùng ở đó. Nhiệm vụ là tiêu diệt kẻ thù, bất kể kết quả thế nào đi nữa”, Ruban kể lại.
Ông Nazarenko, từng chiến đấu ở thủ đô Kyiv và các nơi khác ở miền đông sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2, xem chiến dịch của quân đội Ukraine ở Severodonetsk "một chiến thắng” dù phải rút quân. Ông nói rằng các lực lượng phòng thủ đã cố gắng hạn chế thương vong trong khi ngăn chặn bước tiến của Nga lâu hơn dự kiến, làm cạn kiệt các nguồn lực của Nga. “Quân đội của họ bị tổn thất nặng, và tiềm lực tấn công của họ đã bị phá hủy”, ông Nazarenko khẳng định.
Xem nhanh: Ngày 133 chiến dịch quân sự, Ukraine quyết phòngn thủ Donetsk, Nga lại cảnh báo phương Tây về viện trợ vụ khí |
“Thực tế lại khác”
Cả trung úy Nazarenko và những binh sĩ của ông đều bày tỏ sự tin tưởng rằng Ukraine sẽ lấy lại tất cả vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, đánh bại lực lượng Nga và khẳng định tinh thần chiến đấu của họ vẫn ở mức cao. Trong khi đó, những binh sĩ khác, phần lớn không có kinh nghiệm chiến đấu trước khi cuộc chiến bùng nổ, đã tỏ ra bi quan hơn và đã không muốn tiết lộ danh tính đầy đủ khi chia sẻ trải nghiệm của họ.
Ông Oleksiy, thành viên thuộc quân đội Ukraine, vừa trở về từ mặt trận với tình trạng bị thương nặng ở chân. Ông cho hay ông bị thương trên chiến trường ở thành phố Zolote, cũng thuộc Luhansk và đã bị lực lượng Nga kiểm soát. “Trên ti vi, họ chiếu những hình ảnh đẹp về tiền tuyến, về tình đoàn kết của quân đội, nhưng thực tế lại khác”, ông Oleksiy nói và kể rằng tiểu đoàn của ông bắt đầu cạn kiệt đạn dược trong vòng vài tuần. Có lúc những cuộc pháo kích liên tục đã khiến nhiều người lính không thể đứng vững trong chiến hào, theo ông Oleksiy.
Một quân nhân Ukraine chiến đấu tại một khu công nghiệp trong thành phố Severodonetsk ngày 20.6 |
Reuters |
Trong tháng trước, một phụ tá cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky báo cáo rằng có từ 100-200 binh sĩ Ukraine tử trận mỗi ngày. Oleksiy nói rằng đơn vị của ông đã mất 150 người trong 3 ngày giao tranh đầu tiên, trong đó có nhiều người chết do mất nhiều máu. Do pháo kích diễn ra không ngừng, những binh sĩ bị thương chỉ được sơ tán vào ban đêm, và đôi khi họ phải đợi đến hai ngày, theo ông Oleksiy.“Các chỉ huy không quan tâm nếu bạn bị suy sụp tâm lý. Nếu tim bạn còn hoạt động, nếu bạn có tay và chân, bạn phải quay trở lại chiến đấu ”, ông Oleksiy nói.
Bà Mariia (41 tuổi), chỉ huy một trung đội, thì giải thích rằng mức độ nguy hiểm và khó chịu có thể khác nhau rất nhiều tùy thuộc vào vị trí của đơn vị và khả năng tiếp cận các đường tiếp tế. Theo bà, các chiến tuyến tồn tại kể từ khi cuộc xung đột với lực lượng ly khai thân Nga bắt đầu vào năm 2014 thì yên tĩnh hơn và dễ đoán hơn, trong khi những nơi trở thành chiến trường kể từ khi Nga đưa quân sang Ukraine là “một thế giới khác”.
Bà Mariia, từ chối chia sẻ họ của mình vì lý do an ninh, cho biết chồng bà hiện đang chiến đấu ở một “điểm nóng” như thế. Mọi người đều nhớ và lo lắng cho những người thân yêu của họ, và mặc dù điều này gây ra đau khổ, nhưng cấp dưới của bà vẫn giữ tinh thần chiến đấu cao. “Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng”, bà Mariia nhấn mạnh.
Vì sao nguồn cung đạn dược là yếu tố quyết định đối với Ukraine ở Donbass? |
Trong khi đó, hai binh sĩ Ukraine khác được AP phỏng vấn thì cho hay họ được gửi đến các tiền tuyến ở miền đông ngay khi hoàn tất cuộc huấn luyện cơ bản. Họ đã quan sát “việc tổ chức khủng khiếp và “việc ra quyết định phi logic” và nhiều người đã từ chối chiến đấu. Một trong hai người lính đó kể rằng anh ta hút cần sa hằng ngày. “Nếu không, tôi sẽ mất trí, tôi sẽ đào ngũ. Đó là cách duy nhất tôi có thể đối phó ”, anh cho hay.
Hôm 3.7, các lực lượng Nga đã chiếm thành trì cuối cùng của Ukraine ở tỉnh Luhansk và tăng cường các cuộc tấn công bằng tên lửa vào tỉnh Donetsk, cũng thuộc Donbass. Trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 4.7, Tổng thống Vladimir Putin chúc mừng binh sĩ nước này đã giành được Luhansk, theo AFP. Ông Putin nói rằng những binh sĩ tham gia chiến dịch tại Luhansk nên được nghỉ ngơi nhưng các đơn vị khác phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra.
Bình luận (0)