Nhân dân đồng thuận cao
H.Bình Tân thành lập năm 2007 trên cơ sở tách ra từ H.Bình Minh (nay là TX.Bình Minh), có diện tích tự nhiên hơn 15.000 ha với 10 đơn vị cấp xã (9 xã, 1 thị trấn). Năm 2010, Bình Tân bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM). Sau hơn 10 năm xây dựng, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, đến nay, Bình Tân có 9/9 xã đạt NTM, trong đó có 3 xã đạt NTM nâng cao.
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long (thứ 3 từ trái qua), cùng đoàn công tác khảo sát công ty chế biến nông sản ở H.Bình Tân |
Nam Long |
Ông Phạm Minh Hoàng, Bí thư Huyện ủy Bình Tân, cho biết thời gian đầu thực hiện chương trình xây dựng NTM, các xã chỉ đạt từ 3 - 5/19 tiêu chí. Sau hơn 10 năm, được nhân dân đồng thuận cao, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện, các xã đã kịp thời uốn nắn, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các tiêu chí. “Là huyện ‘sinh sau, đẻ muộn’, có xuất phát điểm thấp, các tiêu chí ban đầu rất thấp như: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo, môi trường… nên cần nhất là sự đồng thuận của nhân dân mới đạt được kết quả như ngày hôm nay”, ông Hoàng nói.
Trong 10 năm xây dựng NTM, H.Bình Tân đã làm mới và mở rộng 107 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 245 km. Hiện tại, ô tô đã đến được trung tâm các xã; hệ thống giao thông nối liền các xã, các ấp, thuận tiện cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa.
Ông Cao Văn Chọn (trái) chỉ hơn 2 công đất gia đình đã hiến để làm đường giao thông nông thôn liên tỉnh Vĩnh Long - Đồng Tháp |
Nam Long |
Ông Cao Văn Chọn (68 tuổi, ngụ xã Tân Thành, H.Bình Tân) cho biết, hồi xưa đường sá đi lại khó khăn lắm, chủ yếu là ghe xuồng chứ đâu có đường ô tô như bây giờ. Khi địa phương phát động hiến đất xây dựng NTM, gia đình ông đồng ý ngay. “Nghe địa phương vận động là tôi thống nhất cao liền, không cần bồi thường gì hết. Gia đình tôi hiến hơn 2 công đất để làm đường giao thông, còn lại hơn 11 công trồng cây ăn trái. Làm đường khang trang, bà con đi lại dễ dàng, mình cũng thấy vui”, ông Chọn chia sẻ.
Thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 lần
Bí thư Huyện ủy Bình Tân cho biết thêm, ngoài các tiêu chí trên, huyện xác định thu nhập là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM, được đánh giá là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất vì năm 2011 thu nhập bình quân đầu người ở địa phương chỉ đạt 19,7 triệu đồng/người/năm.
Hệ thống giao thông phát triển và thu nhập đầu người tăng giúp Bình Tân đạt NTM |
Nam Long |
“Để đạt tiêu chí này, chúng tôi đã kết hợp triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách để thực hiện các mô hình kinh tế nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân; chú trọng đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn và đưa người lao động đi làm việc có thời hạn nước ngoài... Nhờ vậy, cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dịch tích cực, một số sản phẩm nông nghiệp được phát triển theo hướng hàng hóa. Nhiều HTX nông nghiệp được thành lập mới và dần đi vào hoạt động ổn định, có sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 51,11 triệu đồng/người/năm”, ông Phạm Minh Hoàng phấn khởi cho biết.
Nhiều mô hình nông nghiệp được triển khai theo hướng an toàn giúp nâng cao thu nhập cho nông dân H.Bình Tân |
Nam Long |
Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện chỉ còn 149 hộ, chiếm 0,73%, giảm 2.040 hộ so với năm 2011. Hằng năm, đào tạo nghề cho gần 1.000 lao động, đến nay tổng số người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên đạt 98,42%. Tỷ lệ hộ dân có điện và nước hợp vệ sinh đạt 100%. Các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… được đảm bảo.
Với những kết quả đó, đầu tháng 6.2022 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận H.Bình Tân đạt chuẩn NTM năm 2020. Dự kiến, lễ công bố H.Bình Tân đạt chuẩn NTM sẽ diễn ra vào ngày 22.11 tại Công viên Khu hành chính H.Bình Tân.
Bình luận (0)