Bình Thuận: Có tình trạng học sinh 'ngồi nhầm lớp', tiêu cực trong luân chuyển giáo viên?

18/07/2024 13:31 GMT+7

Trả lời câu hỏi cử tri và đại biểu, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thị Toàn Thắng thừa nhận có tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp" (học sinh yếu vẫn được lên lớp) nhưng đây chỉ là hiện tượng cá biệt...

Sáng nay 18.7, kỳ họp thứ 24 của HĐND tỉnh Bình Thuận đi vào phiên chất vấn trực tiếp Giám đốc Sở GD-ĐT và Sở KH-CN tỉnh này.

Nhiều nguyên nhân học sinh "ngồi nhầm lớp"

Có tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp" hay không ? Trả lời câu hỏi cử tri và đại biểu (ĐB), Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thị Toàn Thắng thừa nhận có tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp" (học sinh yếu vẫn được lên lớp - PV) nhưng đây chỉ là hiện tượng cá biệt, thuộc về các trường vùng sâu, vùng cao và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo lý giải của Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân cơ bản thuộc về chủ quan của nhà trường và giáo viên trực tiếp giảng dạy, đặc biệt là đối với học sinh lớp 1. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan còn có nguyên nhân khách quan tác động không nhỏ đến chất lượng giáo dục nhất là các trường vùng cao; trong đó có việc thiếu đồng bộ thiết bị dạy học, cơ sở vật chất, thiếu giáo viên và thiếu cả cán bộ quản lý.

Bình Thuận: Có tình trạng học sinh 'ngồi nhầm lớp', tiêu cực trong luân chuyển giáo viên?- Ảnh 1.

Linh mục Lê Minh Tuấn chất vấn lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận

QUẾ HÀ

"Mặt khác, một bộ phận học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi 5 - 6 tuổi mới được đến trường làm quen tiếng Việt. Nguyên nhân này tác động rất lớn đến chất lượng các trường vùng dân tộc thiểu số, vùng cao", bà Thắng trình bày thêm.

Linh mục Lê Minh Tuấn (ĐB HĐND tỉnh Bình Thuận đơn vị TX.La Gi) chất vấn, trong 5 tiêu chí xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (5 tiêu chí) thì tiêu chí chất lượng học tập của học sinh lại xếp cuối cùng, có phù hợp không ? Vấn đề này, bà Thắng cho rằng do Bộ GD-ĐT quy định và sẽ kiến nghị xem xét lại vị trí các tiêu chí xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Bình Thuận: Có tình trạng học sinh 'ngồi nhầm lớp', tiêu cực trong luân chuyển giáo viên?- Ảnh 2.

Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thị Toàn Thắng trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh, sáng ngày 18.7

QUẾ HÀ

"Tôi thấy ở TX.La Gi cho học sinh lên lớp hết, giáo viên không có "can đảm" cho ở lại lớp, tôi rất băn khoăn điều này. Xin giám đốc cho biết có giải pháp nào khắc phục điều này không ?", ĐB Lê Minh Tuấn truy tiếp. Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Toàn Thắng cho biết, cả TX.La Gi năm qua có 52 em học sinh lớp 1 không hoàn thành chương trình; đối với lớp 4, chỉ có duy nhất 1 em; riêng lớp 5 hoàn thành chương trình 100% theo luật Phổ cập giáo dục tiểu học. Như vậy con số này rất thấp. Các em không hoàn thành chương trình sẽ được bồi dưỡng cho hoàn thành chương trình.

Bình Thuận: Có tình trạng học sinh 'ngồi nhầm lớp', tiêu cực trong luân chuyển giáo viên?- Ảnh 3.

Học sinh ở vùng sâu thôn Cà Lúc, Trường tiểu học Phan Sơn còn gặp nhiều khó khăn, được lãnh đạo địa phương quan tâm

QUỐC HANH

ĐB Đỗ Văn Chung chất vấn, ở Bình Thuận có hiện tượng chạy theo thành tích hay không ? Có việc đi học thêm thì mới làm được bài kiểm tra hay không ? Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận khẳng định chưa phát hiện các trường hợp tiêu cực chạy theo thành tích, còn chuyện dạy thêm, học thêm thiếu kiểm soát là có. Tuy nhiên, Sở quản lý về chuyên môn, có quy trình ra đề "ma trận" nên không để tình trạng học trò biết đề trước từ các lớp dạy thêm.

Luân chuyển giáo viên, cán bộ quản lý có tiêu cực không ?

Nhiều ĐB khác quan tâm việc tuyển chọn giáo viên, luân chuyển giáo viên, cán bộ quản lý từ trường này sang trường khác hoặc bổ nhiệm... có được giám sát chặt chẽ không, quy trình thế nào, có tiêu cực không ?

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận Đỗ Thái Dương cho biết, năm nào Sở Nội vụ cũng chỉ đạo việc tuyển biên chế cho ngành giáo dục theo quy định. Để tránh thừa, thiếu giáo viên cục bộ, hằng năm, Sở GD-ĐT sẽ tổng hợp biên chế toàn ngành (đối với bậc THPT); còn UBND huyện sẽ làm biên chế đối với cấp học còn lại gửi đến Sở Nội vụ. Trên cơ sở đó, sẽ điều chuyển biên chế ngành giáo dục dựa trên nhu cầu thực tế.

"Đến nay, chúng tôi chưa phát hiện vụ việc tiêu cực nào trong tuyển chọn biên chế, luân chuyển giáo viên, cán bộ ngành giáo dục", ông Dương cho biết.

Tuy nhiên, theo giám đốc Sở Nội vụ, có hiện tượng giáo viên điều đi "nghĩa vụ" trường ở xa mấy năm chưa được về gần nhà; nhiều giáo viên ở gần lại bị điều đi xa trong khi điều kiện còn khó khăn nên xảy ra tình trạng giáo viên… tâm tư.

Phải có quy chế giữa ngành giáo dục và ngành nội vụ

Phát biểu cuối phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh cho rằng, dù không phổ biến nhưng vẫn còn tình trạng học sinh yếu được cho hoàn thành nhiệm vụ (để lên lớp). Trong các nguyên nhân, có cả nguyên nhân do nhà trường, do cán bộ quản lý và do giáo viên chưa hoàn thành vai trò, trách nhiệm.

Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận cho rằng vẫn còn tình trạng chạy theo thành tích trong ngành giáo dục. Trong đó, việc thiếu, thừa cục bộ giáo viên một phần do sự phối hợp giữa ngành giáo dục và nội vụ chưa chặt chẽ, nhịp nhàng.

Bình Thuận: Có tình trạng học sinh 'ngồi nhầm lớp', tiêu cực trong luân chuyển giáo viên?- Ảnh 4.

Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh chủ trì buổi chất vấn trực tiếp lãnh đạo ngành giáo dục

QUỐC HANH

"Tôi đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục, các địa phương giám sát tốt chất lượng giáo dục, nhất là kiểm tra, kiểm soát tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp"; chấn chỉnh ngay tình trạng học sinh không hoàn thành nhiệm vụ học tập vẫn cho lên lớp và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trường học, địa phương, đơn vị vào nhiệm vụ này; đồng thời nói không với bệnh thành tích trong giáo dục", Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh đề nghị.

"Bên cạnh đó, phải đầu tư tương xứng thiết bị giáo dục cho các trường học, nhất là trường còn nhiều khó khăn; làm tốt việc tạo dựng môi trường giáo dục, mối quan hệ gia đình - nhà trường và xã hội. Đặc biệt, đề nghị UBND tỉnh cho ban hành quy chế phối hợp giữa ngành GD-ĐT và Nội vụ trong tuyển chọn, luân chuyển giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục", ông Nguyễn Hoài Anh kết luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.