Theo Thông báo (số 148) của Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, gửi các sở ngành và địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong có buổi gặp gỡ trực tiếp các doanh nghiệp (DN) nhằm giải quyết các kiến nghị của DN trong thời gian qua và đã giải quyết cụ thể các khó khăn của từng DN.
Đối với dự án “trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao” của Công ty CP sữa Thông Thuận, ở xã Sông Bình, H.Bắc Bình, được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư ngày 3.4.2017, nhưng đến nay vẫn “đắp chiếu”.
Như Thanh Niên đã phản ánh, chủ đầu tư dự án này cho rằng đang gặp khó do thổ nhưỡng, khí hậu trong việc trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, bò thịt không phù hợp và xin tỉnh cho chuyển đổi sang nuôi… heo.
Tuy nhiên, kiến nghị trên của chủ đầu tư không được Sở KH-ĐT Bình Thuận chấp nhận với lý do không đúng với cam kết ban đầu của nhà đầu tư.
|
Tại thông báo kết luận trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong cho rằng việc lập dự án là sự tự nguyện của nhà đầu tư. Trước khi thành lập dự án, nhà đầu tư đã khảo sát thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai, nguồn nước, hạ tầng mới triển khai.
Do đó, bây giờ chủ đầu tư cho đây là những khó khăn để không thực hiện được dự án là không đúng với thực tế, không thể xem đây là lý do để dự án chậm triển khai suốt 4 năm qua.
Dự án có diện tích 479 ha, đã hơn 4 năm trôi qua kể từ khi được tỉnh chấp thuận, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện xong thủ tục đất đai, chưa ký quỹ đầu tư theo luật định, điều này là không chỉ vi phạm luật Đầu tư mà còn gây lãng phí về tài nguyên đất đai.
Do đó, dự án này đã đủ điều kiện để chấm dứt, thu hồi theo quy định. Tuy nhiên, Sở KHĐT báo cáo trong diện tích 100 ha đất (trong tổng số 479 ha) đã được công ty “tác động”. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở KHĐT xem xét theo hai hướng: Thứ nhất thu hồi toàn bộ dự án (479 ha); hướng thứ hai là tách 100 ha đất đã tác động, gia hạn cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án, thu hồi diện tích còn lại và cho điều chỉnh quy mô dự án theo diện tích 100 ha.
Kỳ vọng “nông nghiệp công nghệ cao” đã thất bại
Đây từng là dự án “công nghệ cao” đầu tiên của Bình Thuận được kỳ vọng bứt phá cho vùng khô hạn rộng hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp thuộc H.Bắc Bình.
Dự án ban đầu được quy hoạch rộng tới 835 ha, đã được chính quyền thực hiện thu hồi đất, đền bù để bàn giao cho chủ đầu tư triển khai từ năm 2016.
Tham vọng của chủ đầu tư tại dự án “công nghệ cao” này là tạo đồng cỏ để nuôi 23.600 con bò, trong đó có 17.600 con bò sữa và xây dựng nhà máy sữa “Thong Thuan Milk” quy mô 100 triệu lít sữa/năm.
Dự án được khởi công ngày 18.4.2017, tuy nhiên, đến nay sau hơn 4 năm, dự án vẫn chỉ là những dãy chuồng bò to với vài chục con bò.
|
Lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Thuận thừa nhận, dự án thất bại do đã chọn vùng đất nghèo dinh dưỡng, khô hạn quanh năm, không thể đủ cỏ tươi để nuôi số lượng bò sữa tới gần 20.000 con. Chủ đầu tư từng nhập bò giống từ nước ngoài về đây, nhưng bò chết dần và chậm phát triển do thiếu cỏ tươi.
Còn lãnh đạo UBND H.Bắc Bình, nơi có dự án thì cho rằng thực sự lãng phí đất đai, tình trạng người dân tái lấn chiếm đất đai gây mất an ninh trật tự, dân tái lấn chiếm đất tới hơn 100 ha.
Cũng theo lãnh đạo UBND H.Bắc Bình, ngoài dự án trên, chủ đầu tư là Công ty CP sữa Thông Thuận còn được giao 24 ha đất để xây dựng nhà máy chế biến sữa từ đàn bò sữa của dự án.
Chủ đầu tư cam kết nhà máy sữa sẽ hoàn thành trong 36 tháng, nhưng tới nay đã hơn 4 năm, dự án nhà máy sữa vẫn nắm trên giấy do không nuôi được bò.
Bình Thuận hiện vẫn chọn nông nghiệp công nghệ cao là một trong 3 trụ cột kinh tế trong những năm tới. Tuy nhiên, có thể nói dự án “nông nghiệp công nghệ cao” đầu tiên và lớn nhất (quy mô hơn 3.000 tỉ đồng) của Bình Thuận đã thất bại.
Bình luận (0)