Bình Thuận điều lực lượng ra đảo Phú Quý dập dịch Covid-19

14/11/2021 08:47 GMT+7

Đêm 13.11, Bộ đội Biên phòng Bình Thuận và Sở Y tế tỉnh này đã điều lực lượng ra đảo Phú Quý hỗ trợ chống dịch khi huyện đảo này phát hiện hơn 50 ca dương tính Covid-19 trong thời gian ngắn.

Do tình hình dịch Covid-19 trên đảo Phú Quý diễn biến phức tạp, chỉ trong hai ngày vừa qua đã phát hiện tới hơn 50 ca dương tính Covid-19 cộng đồng. Do tính chất khẩn cấp của dịch bệnh, chiều tối 13.11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong đã có cuộc họp khẩn với UBND huyện đảo Phú Quý và các ban ngành. Tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, trong một thời gian rất ngắn mà đảo Phú Quý đã phát hiện hàng chục ca dương tính Covid-19, điều này chứng tỏ dịch bệnh đã có ở đảo từ nhiều ngày trước. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu ngành y tế và Bộ đội Biên phòng tỉnh khẩn trương điều ngay cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ và thiết bị chống dịch đến đảo để dập dịch.

Cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Bình Thuận lên tàu ra đảo Phú Quý hỗ trợ chống dịch Covid-19 ngay trong đêm 13.11

CHÂU TUẤN

Chuẩn bị kịch bản cho 200 ca nhiễm Covid-19 trên đảo

Ngay trong đêm qua 13.11, 16 cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ đội Biên phòng Bình Thuận và 6 y, bác sĩ của ngành y tế do Phó giám đốc CDC Bình Thuận Phạm Thanh Thành, làm trưởng đoàn đã lên tàu ra đảo Phú Quý.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong yêu cầu ngành y tế cung cấp đầy đủ trang thiết bị cho đảo, trong vòng một tuần phải xét nghiệm sàng lọc hết người dân trên đảo (khoảng 30.000 người).

Ông Lê Tuấn Phong nhận định, do đây là lần đầu tiên trên đảo có ca nhiễm Covid-19 (trong suốt 2 năm qua), nên người dân trên đảo rất lo lắng và chính quyền địa phương còn lúng túng trong các bước triển khai nhiệm vụ chống dịch. Chủ tịch Bình Thuận còn yêu cầu kiểm soát tất cả người lên đảo lúc này, dù không nhiều. Chia nhỏ các khu dân cư để phong tỏa chặt, xét nghiệm hết người dân trong vùng nguy cơ lây nhiễm cao. Ông Phong đề nghị chính quyền huyện đảo Phú Quý phải chuẩn bị sẵn kịch bản cho 200 ca nhiễm Covid-19 trên đảo để chuẩn bị tinh thần chống dịch, không được để bị động.

Trang thiết bị y tế được tỉnh Bình Thuận hỗ trợ đảo Phú Quý được đưa xuống tàu đem ra đảo ngay trong đêm 13.11

CHÂU TUẤN

Thống nhất sử dụng PC-Covid trong phòng chống dịch

Ca nhiễm Covid-19 phát hiện liên tục trong thời gian ngắn

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện đảo Phú Quý, ngày 11.11.2021, Phú Quý phát hiện ca nghi nhiễm đầu tiên là ông N.P (ở thôn Triều Dương, xã Tam Thanh), chủ một tàu thu mua hải sản. Ngay sau đó, huyện Phú Quý đã khẩn trương truy vết các F1 tiếp tục phát hiện thêm 2 ca nghi nhiễm là hàng xóm của ông P. và đưa đi cách ly điều trị Covid-19.

Phong tỏa đường vào thôn Triều Dương, xã Tam Thanh, nơi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên đảo Phú Quý

CHÂU TUẤN

Ngay trong đêm, huyện Phú Quý đã triển khai các lực lượng tiến hành phong tỏa khu vực Gò Mây, thôn Triều Dương, xã Tam Thanh, nơi phát hiện ổ dịch, đồng thời truy vết, xét nghiệm nhanh tất cả các F1, F2 và trong khu vực phong tỏa. Qua xét nghiệm nhanh 943 trường hợp, đến trưa 13.11 phát hiện thêm 48 ca nghi nhiễm tập trung ở địa bàn xã Tam Thanh.

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến với Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Quang Vinh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý, cho biết ngay sau khi phát hiện các trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Hiện địa phương đang tạm ngừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung chống dịch.

Lực lượng hỗ trợ đảo làm nhiệm vụ chống dịch triển khai lực lượng sáng nay 14.11

CHÂU TUẤN

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận Nguyễn Quốc Việt cho rằng, trong một thời gian rất dài Phú Quý không có dịch, dễ xuất hiện tư tưởng chủ quan. Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận đề nghị chính quyền đảo Phú Quý tạm thời khoanh vùng, truy vết, đưa F0 vào cơ sở điều trị, F1 đưa đi cách ly tập trung.

Sáng nay 14.11, UBND huyện đảo Phú Quý tạm dừng tất cả các hoạt động dịch vụ trong một tuần. Yêu cầu các cơ sở sản xuất hoạt động phải đảm bảo an toàn, thực hiện “3 tại chỗ”. Chợ truyền thống phải thực hiện giãn cách diện rộng, làm thêm chợ dã chiến để thay thế chợ truyền thống. Buổi tối, tất cả người dân không ra khỏi nhà trừ các hoạt động cấp cứu, khám chữa bệnh, phòng chống dịch, cung cấp lương thực thực phẩm. Tổ chức tuần tra kiểm soát, tuyên truyền nhắc nhở xử phạt thực hiện 5K và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin trên đảo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.