Bình Thuận: Những điểm cần lưu ý về tên gọi mới và biên chế các sở

07/01/2025 18:53 GMT+7

Phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Thuận, theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả sau sáp nhập sẽ có nhiều thay đổi nhân sự và tên gọi mới.

Theo biên chế hiện nay, Sở Tài chính có 51 người và Sở KH-ĐT có 39 người; sau sáp nhập giữ nguyên biên chế này, với tên gọi mới là Sở Kinh tế - Tài chính sẽ có 90 người. Về lãnh đạo, sau sắp xếp sẽ có 1 giám đốc và 5 phó giám đốc, 1 giám đốc sẽ phải bố trí sắp xếp sang vị trí khác. Sau sắp xếp 2 sở này sẽ giảm được 2 phòng.

Sở Xây dựng và GTVT sau sáp nhập sẽ có tên gọi mới là Sở Xây dựng - Giao thông. Theo đó, sở mới cũng phải bố trí sắp xếp đối với 1 giám đốc, chỉ còn 1 giám đốc và 6 phó giám đốc (giảm bớt 2 trưởng phòng); nhân sự của cả 2 sở là 112 người tạm thời vẫn giữ nguyên.

Hợp nhất Sở TN-MT và Sở NN-PTNT với nhau có tên gọi mới là: Sở Nông nghiệp và Môi trường. Trước mắt, nhân sự của 2 sở là 455 người (Sở TN-MT 74, Sở NN-PTNT 381) vẫn giữ nguyên. Sau sắp xếp giảm 2 chi cục; bố trí giảm được 1 trưởng phòng và giữ nguyên 27 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở mới.

Bình Thuận: Những điểm cần lưu ý về tên gọi mới và biên chế các sở- Ảnh 1.

Sở Tài chính và Sở KH-ĐT sau sáp nhập có tên là Sở Kinh tế- Tài chính

ẢNH: Q.HÀ

Đối với việc sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ có tên gọi của sở mới là: Sở Khoa học - Công nghệ và Truyền thông.

Dự kiến biên chế của sở mới vẫn giữ nguyên nhân sự ở 2 sở cũ với tổng cộng là 60 người; giảm 1 giám đốc Sở, còn 1 giám đốc và 5 phó giám đốc. Sau sắp xếp giảm được 1 phòng và 1 chi cục.

Sáp nhập Sở LĐ-TB-XH và Sở Nội vụ có tên gọi mới là Sở Nội vụ và Lao động. Sở Nội vụ và Lao động thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho 2 sở cũ; chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Sở GD- ĐT; chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Sở Y tế và chuyển chức năng quản lý nhà nước về công tác giảm nghèo và tín ngưỡng, tôn giáo sang Ban Dân tộc.

Về biên chế, Sở Nội vụ và Lao động chỉ giữ lại 80 biên chế (chuyển đi 24 biên chế); còn 1 giám đốc sở và 6 phó giám đốc. Bố trí sắp xếp 1 giám đốc sở, 1 trưởng phòng; chuyển đi 2 trưởng phòng, 1 trưởng ban và 2 phó phòng ban.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ tổ chức lại Ban Dân tộc thành ban mới có tên: Ban Dân tộc - Tôn giáo. Ban mới này tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về công tác giảm nghèo của Sở LĐ-TB-XH và chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo của Sở Nội vụ. Dự kiến ban mới này có 31 người (giữ nguyên); sau sắp xếp giảm được 1 chi cục và tăng 1 phòng.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, sau khi hợp nhất, sắp xếp, chuyển nhiệm vụ đối với các sở thuộc UBND tỉnh theo các phương án nêu trên, giảm được 5 sở; giảm 7 phòng chuyên môn; giảm 12 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở; giảm 5 chi cục thuộc Sở; tăng 1 chi cục thuộc Sở Công thương, do tiếp nhận Chi cục quản lý thị trường từ Bộ Công thương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.