Các chuyên gia nghiên cứu của Viện sinh thái học miền Nam đã dùng phương pháp bẫy ảnh, thiết bị chụp ảnh tự động dựa trên cảm biến nhiệt và hồng ngoại để ghi nhận các loài, chim thú trong rừng phòng hộ Lòng Sông - Đá Bạc. Tổng cộng có 36 điểm bẫy ảnh được lắp đặt. Mỗi điểm cách nhau 500 m, với 1 máy ảnh được lắp đặt, gắn vào thân cây với chiều cao từ 20 đến 40 cm. Cuộc khảo sát bẫy ảnh kéo dài từ năm 2022.
Theo Viện sinh thái học miền Nam, mục đích chính nghiên cứu của các nhà khoa học là tìm hình ảnh của loài thú có tên cheo cheo lưng bạc. Đây là loài thú đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm ở rừng phòng hộ Sông Lòng Sông - Đá Bạc. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa ghi nhận loài cheo cheo lưng bạc. Nguyên nhân có thể rừng khộp (rừng mùa khô rụng hết lá) không phải là nơi có môi trường sống không phù hợp loài thú quý, hiếm này.
Tuy nhiên, bẫy ảnh đã ghi nhận có đến 24 loài chim và thú trong khu rừng này. Trong đó có những loài thú, chim nguy cấp, quý hiếm như chà vá chân đen (tên khoa học là pygathrix nigripes); tê tê java, công Pavo muticus; sơn dương capricornis sumatraensis; khỉ đuôi lợn macaca leonina….
Theo Nghị định 64 của Chính phủ thì các loài như Chà vá chân đen, tê tê java (cực kỳ nguy cấp) và sơn dương, khỉ đuôi lợn (sắp nguy cấp) phải được ưu tiên bảo vệ khẩn cấp.
Báo cáo của Viện sinh thái học miền Nam cho rằng, ở rừng phòng hộ Lòng sông - Đá Bạc nói riêng và các khu rừng khác ở Bình Thuận nói chung còn sở hữu tài nguyên đa dạng về sinh học rất phong phú; cần tăng cường các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, bảo vệ sự đa dạng của muôn loài thú quý, hiếm còn sót lại.
Trả lời PV Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Quý, Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên Bình Thuận, nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT, Sở KH-CN Bình Thuận cho rằng các nghiên cứu cho thấy, không chỉ ở rừng Lòng Sông- Đá Bạc, mà còn nhiều khu rừng khác như Tà Cú, Núi Ông của tỉnh này vẫn còn lưu giữ được sự đa dạng của hệ sinh thái và còn nhiều loài quý hiếm.
Theo ông Nguyễn Hữu Quý, để bảo vệ sự đa dạng của hệ sinh thái, trước hết phải làm tốt công tác bảo vệ rừng. Vì bảo vệ rừng là bảo vệ sự đa dạng, phong phú của hệ sinh thái, môi trường sống của loài. Mặt khác, Bình Thuận là vùng khô hạn, rừng vào mùa khô rất cằn cỗi. Sự hình thành các hồ chứa nước cũng sẽ góp phần tạo ra hệ sinh thái mới; từ đó tạo ra sự cân bằng mới về môi trường sống cho các loài thú.
Dưới đây là hình ảnh các loài chim, thú từ kết quả khảo sát nghiên cứu của Viện sinh thái học miền Nam, do Sở NN-PTNT Bình Thuận cung cấp.
Bình luận (0)