Bình Thuận: Quản lý chất lượng an toàn thực phẩm hướng đến bền vững

27/04/2020 09:00 GMT+7

Là địa phương có nguồn lực dồi dào về nông lâm thủy sản, trong những năm qua Bình Thuận đặc biệt quan tâm đến quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, hướng đến bền vững.

Ða dạng về nguồn lợi thủy sản

Bình Thuận có chiều dài 192 km bờ biển, được đánh giá là tỉnh có tiềm năng về thủy sản vô cùng to lớn. Vùng biển của Bình Thuận còn là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước. Với nguồn tài nguyên phong phú về chủng loại, trên 60 loài có giá trị kinh tế cao như mực ống, sò điệp, sò lông, tôm và các loài nhuyễn thể hai mảnh. Riêng cá có tới 500 loài, có những loài cá rất nổi tiếng như cá cơm, cá thu, cá bớp, cá nục, cá đục, cá ngừ… Vì vậy, kinh tế thủy sản luôn được xác định là một nền kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Xác định được tầm quan trọng của kinh tế thủy sản, hiện nay Bình Thuận đầu tư đội tàu cá đánh bắt ngoài khơi xa tới gần 7.000 tàu. Trong đó có trên 50% tàu công suất lớn, có thể vươn khơi bám biển dài ngày. Hiện nay, Bình Thuận còn hình thành đội tàu thu mua trên biển hơn 100 chiếc, công suất lớn, do bà con ngư dân và các doanh nghiệp đầu tư. Với nhiều mô hình liên kết đánh bắt trên biển, bà con ngư dân đã được tiếp tế xăng dầu, nhu yếu phẩm và bán sản phẩm ngay trên biển để tiết kiệm chi phí. Nhờ vậy, sản lượng đánh bắt thủy sản của Bình Thuận đạt khoảng 230.000 tấn/năm, tăng khoảng 20%/năm. Đó là chưa kể sản lượng thủy sản nuôi trồng mỗi năm đạt trên 14.000 tấn.
Để phục vụ tốt cho việc chế biến thủy sản, phục vụ tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu, hiện nay toàn tỉnh đã có 235 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản; trong đó có 23 doanh nghiệp chuyên chế biến xuất khẩu, còn lại là các cơ sở cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu, phục vụ tiêu thụ trong nước. Nói đến thủy sản Bình Thuận, sẽ là thiếu sót khi không nhắc đến ngành nghề chế biến nước mắm truyền thống. Nước mắm truyền thống ở Bình Thuận đã có từ 300 năm và trở thành mặt hàng lợi thế của nền kinh tế thủy sản. Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 86 cơ sở chế biến nước mắm và hàng trăm hộ gia đình có cơ sở chế biến quy mô nhỏ. Mỗi năm chế biến khoảng 40 triệu lít nước mắm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thanh long là sản phẩm lợi thế của nhà nông

Bình Thuận là tỉnh có khí hậu khá khắc nghiệt, với lượng mưa rất ít. Trong những năm gần đây, nhờ được đầu tư kết nối hệ thống thủy lợi, nền nông nghiệp tỉnh Bình Thuận đang khởi sắc với những sản phẩm nổi trội, có giá trị kinh tế cao. Ngoài những loại cây đặc thù như cây trôm lấy mủ, cây tiêu, điều lấy hạt, sầu riêng có giá trị kinh tế cao trên thị trường, hiện nay nói đến sản phẩm của nông nghiệp Bình Thuận là phải nói đến cây thanh long. Cây thanh long được xác định là một trong những sản phẩm lợi thế của nông nghiệp. Với diện tích trên 30.652 ha, mỗi năm người nông dân Bình Thuận cho ra thị trường trên 642.000 tấn quả để phục vụ thị trường trong nước, đặc biệt là xuất khẩu. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Bình Thuận không mở rộng diện tích, mà tập trung sản xuất thanh long chất lượng theo hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, bảo đảm xuất xứ hàng hóa, an toàn thực phẩm. Theo đó, hiện nay cả tỉnh đã trồng được trên 10.379 ha thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Để giúp nhà nông giải quyết tốt khâu tiêu thụ, hiện nay toàn tỉnh đã có 170 cơ sở sơ chế, chế biến, trong đó 15 cơ sở chế biến các sản phẩm từ thanh long như: thanh long sấy, rượu vang, nước ép, siro, mứt, kẹo thanh long.
Thanh long Bình Thuận đang tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Thanh long Bình Thuận đang tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Quản lý chất lượng theo hướng an toàn, bền vững

Xác định được mục tiêu phát triển các sản phẩm nông lâm thủy sản theo hướng bền vững, trong năm qua, công tác quản lý chất lượng được Bình Thuận đặc biệt quan tâm. Bên cạnh công tác tuyên truyền đến bà con nông dân vai trò của các sản phẩm lợi thế trong mục tiêu phát triển nông thôn mới, ngành nông nghiệp còn tập trung xây dựng chương trình phát triển sản phẩm, chuỗi sản phẩm.
Năm qua, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (QLCLNLTS) của tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở chế biến, sơ chế áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng và kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Và đặc biệt, Chi cục QLCLNLTS đã hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở chế biến trưng bày và quảng bá sản phẩm an toàn thông qua các hội chợ triển lãm. Theo đó, đã có 205 cơ sở được hỗ trợ áp dụng xây dựng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến. Đến nay, ở lĩnh vực thủy sản có 29 doanh nghiệp thủy sản được chứng nhận áp dụng tiêu chuẩn HACCP, Halal, ISO 22000:2005…, có 19 doanh nghiệp (25 phân xưởng) đông lạnh, khô; 4 cơ sở nước mắm được cấp code đi các thị trường khó tính ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở lĩnh vực nông sản, có 14 doanh nghiệp được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, ISO 22000, tăng 10 cơ sở so với năm 2017.
Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất với dây chuyền công nghệ lạc hậu, vẫn còn hàng hóa kém chất lượng và khó tiêu thụ.
Để giúp doanh nghiệp và người dân tháo gỡ những khó khăn này, ngành nông nghiệp đã phối hợp các đơn vị và doanh nghiệp tổ chức các hoạt động hỗ trợ dịch vụ, dạy nghề, tư vấn, chuyển giao các ứng dụng khoa học công nghệ mới, hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư đổi mới công nghệ vào sản xuất, bảo quản và chế biến.
Mục tiêu là giúp nông dân và các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có lợi thế, có giá trị thương phẩm, có sức cạnh tranh trên thị trường và hội nhập quốc tế.
Nước mắm truyền thống là mặt hàng lợi thế của Bình Thuận
Theo bà Ngô Minh Uyên Thảo - Phó chi cục trưởng Chi cục QLCLNLTS Bình Thuận, hiện nay các sản phẩm về nông lâm, đặc biệt là thủy sản ngày càng phong phú và đa dạng, có sức tiêu thụ nội địa tốt. Ngoài các thị trường truyền thống, sản phẩm thủy sản còn đến các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Đa số các cơ sở chế biến đều được chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, quy mô của các doanh nghiệp chế biến còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường khó tính và người tiêu dùng. Một trong các nguyên nhân chính là do sự tham gia của các doanh nghiệp vào hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật còn thấp, hiệu quả chưa cao.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân đầu tư sản xuất tập trung, gắn với ứng dụng công nghệ cao và quản lý chất lượng hệ thống tiên tiến; xây dựng chuỗi liên kết, kết nối và hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, chú trọng vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo hướng mỗi địa phương có một sản phẩm lợi thế. Người dân, doanh nghiệp có nhu cầu hợp tác sản xuất cung ứng và tiêu thụ sản phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có thể truy cập vào địa chỉ website https://ccqlclnlts.binhthuan.gov.vn/; mục: Thông tin sản phẩm an toàn”, bà Thảo cho biết.
Từ tháng 7.2018 đến nay, Chi cục QLNLTS Bình Thuận đã tổ chức 41 lớp tập huấn tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho hơn 1.700 người là chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất tại các cơ sở nông sản, thủy sản. Hướng dẫn 24 cơ sở làm quen và áp dụng Chương trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VN HACCP. Qua đó hỗ trợ 15 cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn VN HACCP,VietGAP, ISO 22000; xây dựng, kết nối 18 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; cấp 41 giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 261 sản phẩm cho 28 cơ sở kinh doanh. Phối hợp với Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đưa sản phẩm nông sản, thủy sản vào tiêu thụ ở thị trường thành phố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.