Bình thường hóa một cách an toàn, hiệu quả

21/11/2021 06:01 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thiện chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid-19 để trình cấp có thẩm quyền trước ngày 30.11 theo cách tiếp cận toàn dân, lấy cấp cơ sở làm nền tảng.

Hôm qua (20.11), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, sau hơn 1 tháng cả nước triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Số ca tử vong giảm gần một nửa

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong hơn 1 tháng đầu tiên thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP (từ 11.10 - 19.11), cả nước ghi nhận 105.543 ca bệnh Covid-19 cộng đồng. So với tháng trước đó, số ca cộng đồng cả nước tăng 2,9%, nhưng số ca tử vong giảm 46,3%; số đang điều trị tại bệnh viện giảm 25,3%; số ca nặng, nguy kịch giảm 40,8%.

Các địa phương quan tâm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để người dân di chuyển thuận lợi, không bị cản trở về mặt hành chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca bệnh mắc trong cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương (trong tuần số ca mắc cộng đồng tăng tại 35 tỉnh, thành) do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

NHẬT BẮC

Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của vi rút.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay việc triển khai thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng tại 34 tỉnh, thành cho thấy thuốc điều trị có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng vi rút, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị, tỷ lệ chuyển nặng rất thấp, không có ca tử vong.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu bên cạnh việc bảo đảm các loại thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ như kháng đông, kháng viêm, kháng thể đơn dòng…, ngành y tế cần bổ sung các loại thuốc kháng vi rút điều trị sớm cho F0. Đây là đề xuất của nhiều địa phương qua thực tiễn điều trị cho người mới mắc Covid-19.

Ông Đam cũng cho biết với tiến độ vắc xin nhận về như hiện nay, trong tháng 11 sẽ đủ để tiêm 2 mũi cho người trên 18 tuổi, và đề nghị Bộ Y tế không đợi vắc xin về các kho trung gian mà ký quyết định phân bổ ngay cho các địa phương, có dự kiến ngày cụ thể để các tỉnh chủ động.

Covid-19 sáng 21.11: Cả nước 1.084.625 ca nhiễm | Nhiều F1 ở Hà Nội chưa được cách ly tại nhà

Không nóng vội đóng cửa

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết phần lớn (hơn 90%) các doanh nghiệp trong các khu công nghệ cao, khu công nghiệp… đã trở lại sản xuất, hoạt động xuất khẩu của TP.HCM tăng rất cao. Ông Mãi cho rằng tùy theo tình hình dịch bệnh, chúng ta cần tăng cường các giải pháp y tế chứ không nên nóng vội đóng cửa.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh thì bày tỏ tinh thần chung của Cần Thơ là có những lo ngại nhất định về số lượng F0 mới, nhưng hoàn toàn đồng thuận, ủng hộ việc thực hiện Nghị quyết 128 khi chúng ta đã có thêm kinh nghiệm trong phòng chống dịch. Do đó, cần bình tĩnh, kiên trì với các biện pháp thích hợp, không áp dụng các biện pháp cực đoan.

Theo ông Mạnh, dù số ca mắc trong những ngày qua có tăng do số người vừa tiêm 1 mũi có khả năng miễn dịch chưa cao, tuy nhiên số lượng ca chuyển nặng thấp, tỷ lệ tử vong không tăng cho thấy hiệu quả thực sự từ việc tiêm vắc xin và các biện pháp cách ly, xét nghiệm, điều trị theo hướng dẫn của T.Ư. Đến nay, Cần Thơ đã thiết lập 83 trạm y tế lưu động, Quân khu 9 cũng tăng cường lực lượng quân y đủ để Cần Thơ có thể thành lập 25 đội y tế lưu động, giúp người bệnh được điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở, giảm tăng nặng, giảm tử vong.

“Chấp nhận có ca nhiễm mới nhưng kiểm soát rủi ro”

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ các ý kiến tại cuộc họp đều thống nhất đánh giá qua hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, nhìn chung chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, bước đầu đạt mục tiêu đề ra. Các hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục rất rõ trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... Thị trường lao động từng bước hồi phục và khắc phục sự đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Xuất nhập khẩu tăng cao, xuất siêu trở lại, thu hút FDI tăng. Các vấn đề an sinh xã hội được rà soát, các bất cập được tập trung khắc phục.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý trong tuần qua số ca mắc mới trong cộng đồng tăng so với tuần trước nên cần chú ý bám sát tình hình, theo dõi, phân tích, đánh giá kỹ. Năng lực y tế cơ sở ở một số nơi còn hạn chế, năng lực y tế dự phòng vẫn là điểm yếu. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định việc ban hành Nghị quyết 128 và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế để chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh được đánh giá là kịp thời, đúng hướng và sát thực tế, mang lại những kết quả cơ bản nói trên.

Dự báo tình hình sắp tới, Thủ tướng yêu cầu công tác nắm tình hình, dự báo phải sát hơn, tích cực hơn, phân tích chính xác hơn để thống nhất về mặt chủ trương, đưa các giải pháp, biện pháp khả thi, hiệu quả, tổ chức thực hiện thật tốt, chủ động ứng phó tình hình.

“Chúng ta chuyển trạng thái thì chấp nhận có ca nhiễm mới nhưng kiểm soát rủi ro, có các biện pháp hiệu quả để giảm tối đa các ca tăng nặng và tử vong, thực hiện bình thường hóa một cách an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng giao Bộ Y tế hướng dẫn đánh giá, tổng kết công tác phòng chống dịch, nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ 4; các cấp, các ngành tiếp tục góp ý cho Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế để bổ sung từng bước các biện pháp, quy trình, điều kiện phòng chống dịch.

Trước mắt, cần tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, các địa phương nếu có các biện pháp sáng tạo nhưng trái quy định, nguyên tắc chung thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi thực hiện. Nguyên tắc là thực hiện thống nhất, thông suốt từ T.Ư tới cơ sở, đánh giá chính xác cấp độ dịch và thực hiện nghiêm các biện pháp tương ứng về hành chính, y tế, an sinh xã hội, an ninh trật tự. Thủ tướng lưu ý có kịch bản hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương, nhất là khi ở cấp độ 4, một nơi có dịch thì nhiều địa phương cùng tập trung dồn lực kiểm soát, khi cần thiết thì huy động sự hỗ trợ của lực lượng công an, quân đội, y tế.

“Các địa phương quan tâm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để người dân di chuyển thuận lợi, không bị cản trở về mặt hành chính. Các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tất cả vì nhân dân để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, không để ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, Thủ tướng nói.

Đẩy nhanh tiêm vắc xin cho trẻ em để mở cửa trường học trở lại

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, đơn vị lên kế hoạch đẩy mạnh tiêm vắc xin, trong năm 2021 phải cơ bản hoàn thành việc tiêm đủ 2 mũi cho người trên 18 tuổi, tức là vượt kế hoạch đề ra về bao phủ vắc xin. Thủ tướng đặc biệt lưu ý các địa phương khẩn trương rà soát, báo cáo nhu cầu vắc xin cụ thể về số lượng, chủng loại, thời gian… để Bộ Y tế tổng hợp, phân bổ khẩn trương, phù hợp. Bộ Y tế được Thủ tướng giao phối hợp với Bộ GD-ĐT, các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em để mở cửa trường học trở lại an toàn, hiệu quả; chuẩn bị kế hoạch tiêm mũi 3 cho người đã tiêm đủ 2 mũi. Song song với nhập khẩu, cần thúc đẩy bằng được sản xuất vắc xin trong nước. Tăng cường chuẩn bị, phân bổ thuốc điều trị khi thực tế đã chứng minh về tính hiệu quả và an toàn. Tất cả đều phải có kế hoạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.