Không chỉ thông tin cập nhật tình hình dịch bệnh trên báo chí, trên mạng xã hội nhiều người loan đi đủ loại thông tin liên quan tới ca bệnh Covid-19 thứ 17 ở Hà Nội. Và với rất nhiều thông tin không chính xác, thiếu kiểm chứng, họ nhân danh cộng đồng đã giận dữ, chửi bới...
Nhiều người bắt đầu đổ xô đến các siêu thị còn mở cửa lúc nửa đêm để mua tích trữ thực phẩm. Và từ sáng sớm 7.3, người dân thủ đô lại ùn ùn đi mua hàng tích trữ, dù siêu thị liên tục phát loa thông báo nguồn hàng không thiếu. Thậm chí, nhiều người còn tìm cách rời khỏi thủ đô để “tránh dịch”.
Sự sợ hãi của người dân trước diễn biến của dịch bệnh là có thể hiểu được. Song nếu bình tĩnh hơn để suy xét, sẽ thấy rằng tình hình chưa tới mức phải hoảng loạn đến như vậy.
Cho tới trước khi ca bệnh ở Hà Nội được công bố, chúng ta chỉ mới có 16 trường hợp nhiễm bệnh và cả 16 trường hợp đều đã được chữa khỏi. Chưa có ca bệnh nào tử vong tại VN. Không phải bất cứ ai tiếp xúc hay đi qua khu vực có bệnh nhân cũng lây bệnh.
Trong những ngày tới, có thể sẽ có thêm các ca nhiễm bệnh mới (sau 20 ca), song nó vẫn nằm trong kịch bản đã được dự liệu. Chỉ vài ngày trước, quân đội đã diễn tập với tình huống có tới hơn 30.000 người nhiễm bệnh dù vẫn còn rất xa dịch bệnh tại VN mới tới mức này.
Một trong những yếu tố quyết định để vượt qua dịch bệnh là người dân tin rằng, chính quyền đóng vai trò chủ đạo trong phòng chống dịch bệnh và làm tốt vai trò đó với trách nhiệm và sự minh bạch. “Chống dịch như chống giặc” là tinh thần mà các cơ quan chức năng đã và đang làm, song có lẽ trong những ngày qua chúng ta đã "chống dịch hơn chống giặc", bởi lẽ những cơ quan có trách nhiệm đã không giấu giếm thông tin.
Cuộc họp lúc nửa đêm tại trụ sở UBND TP.Hà Nội để thông tin về ca bệnh Covid-19 đầu tiên của Hà Nội được tổ chức công khai với sự tham dự của báo chí. Ngay sau đó, những thông tin chi tiết về tiền sử dịch tễ, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân cũng được công khai.
Cẩn trọng là cần thiết, nhưng sự hoảng loạn thái quá của một bộ phận người dân trước các diễn biến dịch bệnh có thể sẽ khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn, khi chính việc chen chân mua hàng ở siêu thị hay di chuyển để tránh dịch lại làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, làm khó thêm cho cơ quan chức năng.
Vì vậy, việc cần làm nhất trong lúc này không phải tích trữ lương thực, khẩu trang hay rời Hà Nội để tránh dịch mà phải giữ được sự bình tĩnh, tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan chức năng - những người có chuyên môn và trách nhiệm trong phòng, chống dịch.
Chống dịch bệnh như chống giặc, song chúng ta chỉ có thể chống dịch và chống giặc bằng sự bình tĩnh và kiến thức chuyên môn chứ không thể bằng sự lo lắng đến mức hoảng loạn.
Bình luận (0)