Bịt lỗ hổng chỉ định thầu

04/05/2020 04:20 GMT+7

Trong vụ án tại CDC Hà Nội cũng như AVG..., việc thổi giá có thể dễ dàng được thực hiện, do thẩm định viên của các công ty thẩm định giá đã nhắm mắt ký liều, nâng khống giá thiết bị, máy móc.

Thổi giá, chỉ định thầu vượt hạn mức, buông lỏng trách nhiệm kiểm tra, giám sát... là những lỗ hổng giúp cho các quan chức, cán bộ tha hóa, biến chất có thể thông thầu, tham ô, đục khoét, rút ruột ngân sách, mà vụ án tại Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội là một minh chứng.
Luật Đấu thầu hiện nay cho phép áp dụng nhiều hình thức như đấu thầu rộng rãi, tự thực hiện, đấu thầu rút gọn, chỉ định thầu… Đặc biệt, trong các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh được phép chỉ định thầu. Các văn bản hướng dẫn cũng quy định hạn mức gói thầu được chỉ định không quá 1 tỉ đồng.
Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều đối tượng đã cố tình chia nhỏ gói thầu để được chỉ định. Thậm chí, bất chấp quy định, thổi giá vượt hạn mức như tại CDC Hà Nội nhằm trục lợi cá nhân.
Một lỗ hổng rất lớn khác có nguyên nhân từ những quy định về thẩm định giá. Trong vụ án tại CDC Hà Nội cũng như AVG..., việc thổi giá có thể dễ dàng được thực hiện, do thẩm định viên của các công ty thẩm định giá đã nhắm mắt ký liều, nâng khống giá thiết bị, máy móc.
Điều đó cho thấy việc quản lý, cấp phép các chứng chỉ cho các thẩm định viên quá lỏng lẻo, dễ dãi. Theo một chuyên gia về lĩnh vực này, để xác định được giá trị các dự án, sản phẩm cần phải có chuyên môn trong từng lĩnh vực. Thẩm định viên phải có năng lực, kinh nghiệm, cũng như tiêu chí khắt khe về đạo đức.
Tuy nhiên, hiện nay bất cứ thẩm định viên nào cũng có thể dễ dàng ký chứng thư thẩm định cho tất cả gói thầu từ xây dựng, giao thông, cơ khí, tài chính, ngân hàng, y tế… Bên cạnh đó, chế tài xử lý quá nhẹ khiến các đối tượng sẵn sàng bất chấp để thực hiện động cơ bất chính hòng thu lợi.
Rõ ràng, ngoài lỗ hổng từ cơ chế, chính sách thì việc trao quyền hạn lớn cho người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước mà không có cơ chế giám sát hiệu quả dẫn đến tham nhũng, thất thoát tài sản công liên tiếp xảy ra. Do đó, theo các chuyên gia, không chỉ CDC Hà Nội, tất cả các gói chỉ định thầu mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 cần phải được rà soát một cách triệt để.
Việc này không khó, bởi chỉ cần kiểm tra lại sổ sách, chứng từ, dòng tiền và đặc biệt so sánh thông số, cấu hình của từng thiết bị máy móc, vật tư, sinh hóa phẩm… so với mặt bằng chung của thị trường sẽ xác định được có nâng khống, thổi giá hay không. Khi phát hiện phải xử lý nghiêm trách nhiệm, không chỉ của người trục lợi, mà cả những người buông lỏng kiểm tra, giám sát.
Về chính sách, cần thiết phải xem xét lại cơ chế chỉ định thầu. Hiện nay thủ tục đấu thầu rộng rãi qua mạng khá nhanh gọn, vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch lại tránh được tình trạng thông đồng, móc ngoặc dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.