Bịt 'lỗ hổng' trong thẩm định và thực nghiệm sách giáo khoa

29/10/2020 07:27 GMT+7

Sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 đang được thẩm định giữa những ồn ào chưa dứt về sách giáo khoa lớp 1 là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.

Hội đồng thẩm định phải kiên quyết

Khi những bức xúc về một số nội dung trong sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh diều nổi lên, Bộ GD-ĐT đề nghị Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) SGK rà soát, HĐTĐ cho rằng từng đề nghị tác giả chỉnh sửa, nhưng nhóm tác giả đã bảo lưu quan điểm. Câu trả lời này khiến dư luận càng khó hiểu, bức xúc với vai trò của HĐTĐ.
Theo ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, chất lượng một bộ sách khi thực hiện xã hội hóa có vai trò của 3 bên: tác giả, HĐTĐ và cơ quản lý nhà nước. Khi có ý kiến phản ánh thì cả 3 bên đều cần rà soát lại quy trình biên soạn, thẩm định và phê duyệt. “Tôi cho rằng, nếu HĐTĐ thấy thực sự cần phải chỉnh sửa thì cần có thái độ kiên quyết hơn để buộc tác giả phải chỉnh sửa cho phù hợp trước khi thông qua”, ông Thắng nói.
Hiện cả SGK lớp 2 và lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới đều trong giai đoạn thẩm định vòng 2. Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đây là vòng vô cùng quan trọng và yêu cầu cần tập trung đánh giá để đưa ra những sản phẩm chất lượng cao. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đặt ra yêu cầu là những ngữ liệu, nội dung kiến thức đưa ra phải thiết thực với hoàn cảnh xã hội và các vùng miền. Ngữ liệu, phương ngữ, ngôn ngữ sử dụng cần thân thiện, phổ thông, dễ sử dụng.
Ông Độ cũng yêu cầu nâng cao trách nhiệm của chủ tịch HĐTĐ. HĐTĐ cần kiên định với quyết định của mình, nếu thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, báo cáo lãnh đạo Bộ để thực hiện theo cái đúng, sách có lỗi thì kiên quyết loại bỏ nhưng không vì thế làm giảm độ mở của sách. HĐTĐ cần cùng Bộ GD-ĐT giải trình các vấn đề với xã hội, cộng đồng... về sản phẩm.

Bổ sung các quy định thực nghiệm

Nhiều giáo viên lớp 1 cũng chia sẻ, việc SGK lớp 1 khi đưa vào thực tế mới nảy sinh những bức xúc do có sách muộn vì dịch Covid-19 nên giáo viên chưa được dạy với học sinh. Do vậy, nếu SGK các lớp sau có sớm hơn thì giáo viên sẽ được dạy thử để có trải nghiệm thực tế và lựa chọn phù hợp. Trên thực tế, hồ sơ về thực nghiệm bản mẫu SGK cũng chỉ được gửi cho Bộ GD-ĐT và HĐTĐ, người trực tiếp sử dụng SGK không được tiếp cận nội dung này.
Ông Phạm Tất Thắng cũng cho rằng theo quy trình biên soạn SGK, sau khi biên soạn xong, phải thử nghiệm, sau đó mới hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng chính thức. Do vậy, việc thẩm định của HĐTĐ mới chỉ là bước một, khẳng định bộ sách đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông mới. Bước hai phải có việc thực nghiệm trong thực tế dạy học và hiệu chỉnh SGK trước khi đưa vào in ấn, xuất bản và tiến hành giảng dạy đại trà.
Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định Bộ GD-ĐT đang tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn SGK.

Thêm kênh góp ý, phản biện trước khi phê duyệt

Theo ông Thắng, Bộ GD-ĐT cần lấy ý kiến của dư luận một cách rộng rãi hơn qua nhiều kênh khác nhau. Tăng cường vai trò phản biện độc lập của chuyên gia, nhà giáo sau khi họ đọc và đóng góp trước khi HĐTĐ thông qua và Bộ GD-ĐT phê duyệt cho phép ban hành.
Trong báo cáo mới nhất mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gửi Quốc hội cũng khẳng định: Để tiếp tục ghi nhận các thông tin phản ánh về triển khai chương trình, SGK mới, Bộ GD-ĐT sẽ mở rộng các kênh đóng góp ý kiến để nắm bắt thông tin trên diện rộng, đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, các nhà khoa học và người dân. Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, Bộ sẽ nghiên cứu để kịp thời đề ra các giải pháp bổ sung trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu SGK khi được đánh giá “đạt” và lấy ý kiến góp ý rộng rãi trước khi ban hành. Dự kiến việc thực hiện lấy ý kiến trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT tương tự quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Hướng dẫn thay thế ngữ liệu trong sách tiếng Việt nhóm Cánh diều
Với SGK tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh diều, Bộ GD-ĐT cho biết đã yêu cầu nhà xuất bản xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính để kịp thời, thuận lợi cho giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học. Trước mắt, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên sử dụng các ngữ liệu được thay thế, bổ sung để thực hiện hoạt động dạy học các bài nằm trong chương trình học kỳ 1.
Đánh giá là “không đạt” và “đạt nhưng cần sửa chữa” đều sẽ bị loại
Bộ GD-ĐT ngày 6.8 đã ban hành Thông tư 23 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 33. Theo đó, mỗi năm, Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức thẩm định SGK nhiều nhất là 2 đợt; mỗi đợt thẩm định không quá 2 vòng, thay vì có 3 vòng thẩm định như đã thực hiện với sách lớp 1. Thông tư 23 quy định các bản mẫu SGK ở vòng thẩm định thứ 2 được Hội đồng quốc gia đánh giá là “không đạt” và “đạt nhưng cần sửa chữa” đều sẽ bị loại do không còn vòng thứ 3. Các bản mẫu SGK được đánh giá “đạt nhưng cần sửa chữa” ở vòng 2 (đợt 1) có thể tiếp tục nộp hồ sơ đề nghị thẩm định vào đợt 2, cùng với các bản mẫu SGK của những môn học, hoạt động giáo dục mà đợt 1 chưa có và các bản mẫu SGK mới. Quy trình thẩm định SGK của đợt 2 được thực hiện giống đợt 1.
Tại vòng 2 thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6, HĐTĐ lần lượt làm việc với từng bản mẫu SGK và tối đa 5 ngày/bản mẫu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.