“Ngày xưa có mà hát từ sáng đến tối”
Đến xã Phả Lễ (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) một chiều xuân, chúng tôi thấy trong sân ủy ban nhân dân hai nhóm nam nữ khăn đóng áo dài đang hát đối đáp. Người “cầm đầu” nhóm nam, ông Đinh Khắc Lâm cất tiếng: “Nhà nàng gác phượng lầu vàng có không/Cổng nhà có cây nào cao/Cột quân cột cái có bao nhiêu hàng/Bao nhiêu xà dọc xà ngang?”. Bên nữ, bà Đinh Thị Nhịnh, tuổi đã 60, dẫn đầu đội nữ, đáp lời: “Nhà em giầu lắm anh ơi/Đá hoa em cất một nơi, Đá xanh em để ngoài trời khoe khoang/Cổng thời em đúc bằng vàng/Cột lim chạm bạc, xà ngang bịt đồng”.
Đó là một phần của bài “Hỏi nhà”, một bài hát đúm thời cổ với giai điệu không có cao độ và tiết tấu rõ ràng, cũng không có nhạc đệm, nhưng khi hai đội hát đến đâu thì hàng nghìn khán giả phía dưới cười rần tới đấy. Trong số khán giả, các phụ nữ trung niên trở lên hầu như đều bịt kín mặt như đang đi làm đồng, dù hôm ấy mới mùng 5 tết, là ngày huyện Thủy Nguyên tổ chức cuộc thi hát đúm thường niên.
|
Chúng tôi gặp ông Đinh Khắc Thạo, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Nghe nhắc đến hát đúm, ông tự hào nói: “Dân vùng này say hát đúm hơn cả karaoke. Riêng xã tôi thì trường cấp 1, cấp 2 đều dạy hát đúm, một cựu chiến binh 90 tuổi là ông Đinh Hữu Nga nay vẫn soạn lời các bài hát đúm, ngay cổng ủy ban kia cũng có một nghệ nhân”. Nghệ nhân mà ông Thạo quảng cáo là bà Đinh Thị Ngà, 42 tuổi, bán hoa quả trước ủy ban. Cười tươi khi tôi hỏi chuyện hát đúm, bà Ngà lấy ra một cuốn sổ chép đầy các bài hát, nói là để tập lúc vắng khách, còn hát luôn vài đoạn cho tôi quay clip, rồi chỉ “vào nhà ông bà Lê Khắc Đức - Vũ Thị Vịnh ở xóm 2 mà hỏi chuyện hát đúm giao duyên ngày xưa nó như thế nào”.
Ông Đức, 75 tuổi, từng là Chủ nhiệm câu lạc bộ hát đúm Phả Lễ, nhưng mới bị ngã phải nằm liệt giường. Thấy nói hát đúm, mắt ông sáng lên: “Tôi hát từ năm 18 tuổi, nay già rồi chỉ nhớ được dăm chục bài chứ ngày xưa thì có mà hát từ sáng đến tối chả hết”. Rồi ông hát thật: “Bây giờ anh mới gặp nàng. Bằng giời cho cái nén vàng trên tay”. Hỏi chuyện hai ông bà lấy nhau như thế nào, ông cười: “Bà ấy hát cũng hay, hôm ấy tôi gặp ở cổng chùa, nghe tiếng hát mê quá nên hôm sau lại đến, lại gặp, lại hát: Gặp nhau ở đám hội này/Anh em thì vắng, u thầy thì xa/Lấy ai ngăn chặn chúng ta/Mặt muốn chạm mặt, tay đà cầm tay. Thế rồi tôi giật cái khăn che mặt của bà ấy ra, thấy một cô gái đẹp quá, liền hát: Bây giờ nàng giở ra về/Mình anh thì biết nguyện thề với ai/Xa xôi năm tháng đường dài/Nàng về anh biết lấy ai chuyện trò. Bà ấy họa lại: Chàng về mau chóng mà ra/Để em chờ đợi cả ba canh dầy. Thế rồi hai bên lấy nhau, ở đến giờ”.
tin liên quan
Giới trẻ "kéo nhau" đi xem hát bội... qua tranhThua cuộc mới cho xem mặt
Trong khi ông Đức nói chuyện, bà Vịnh nằm ở giường bên và trùm một cái khăn đen, chỉ hở mũi và đôi mắt. Bà nói: “Hồi trẻ ông ấy hát hay, đẹp trai. Mỗi lần hát thì người ta chen nhau xem. Tôi cũng mê nên ông ấy ngỏ lời là ưng ngay”. Về việc ở trong nhà vẫn bịt khăn kín nửa mặt, bà bảo: “Thời bà tôi, mẹ tôi đã bịt rồi nên tôi quen nếp, trước chỉ có khăn vải diềm bâu đen mua ở chợ Phả, nhưng bịt suốt ngày nên da ai cũng trắng như bông”.
Tạm biệt đôi trai tài gái sắc một thuở, tôi sang xã Lập Lễ kế bên cũng nổi tiếng về hát đúm và gặp ông Vũ Nhang, 60 tuổi, ở thôn Lạch Sẽ. Ông Nhang kể: “Hồi thanh niên tôi cũng hát đúm theo kiểu truyền thống, đến năm 1979 - 1980 mới thôi. Hát thua thì mất nón, mất ô, chúng tôi thì toàn chạy làng nhưng nếu thắng thì cứ thế mà giật khăn bên nữ. Mê lắm, nên có đôi hát từ sáng đến tối, say như bọn trẻ tán nhau trên Facebook, Zalo bây giờ”.
Đối diện nhà ông Nhang là nhà Chủ nhiệm câu lạc bộ hát đúm Lập Lễ Đinh Như Hăng, chủ một cửa hiệu đồ gỗ cực lớn. Bỏ mặc khách đến xem hàng, ông Hăng kéo tôi vào nhà trong. “Sống là phải có hát đúm, chứ không hát thì có tiền cũng chẳng làm gì”, ông nói, trong khi bà vợ tên Đinh Thị Minh “tố”: “Ông ấy hát từ thanh niên, giờ 59 tuổi rồi vẫn tụ tập bạn bè hát suốt”. Ông Hăng phân trần: "Chúng tôi tập đấy chứ, xã nào cũng có câu lạc bộ, cũng tập luyện đàng hoàng, mình không tập thì sao có chuyện 5 lần thi thì 3 lần xuất sắc, 2 lần giải nhất". Rồi ông nói thêm: "Ở làng thì tôi là anh buôn gỗ thế thôi. Nhưng cứ lên YouTube gõ tên tôi thì có mà ra đầy".
Về giá trị nghệ thuật của hát đúm, tôi được nhạc sĩ Sĩ Vịnh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hải Phòng, chia sẻ: hát đúm không phức tạp, không “học thuật” và không cần người hát phải biết âm nhạc căn bản. Nhưng đây là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo và đặc biệt là được người dân địa phương ưa thích. Ông Đinh Viết Hưởng, người từng học thanh nhạc và là công chức văn hóa xã Lập Lễ thì có vẻ bênh vực: “Nghe đơn giản thế thôi, nhưng cũng phải có chất giọng dày, ấm mới hát được. Cả xã này nhiều người biết hát nhưng hát hay thì có mấy đâu”.
Giải thích về tục bịt mặt gắn liền với hát đúm, ông Hưởng kể: Truyền thuyết nói vùng này xưa chiến tranh nhiều nên đàn bà sợ ma và bịt mặt để các oan hồn không thấy mà nhập vào người. Nay thì họ bịt mặt để tránh nắng, giữ da. Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Lập Lễ Nguyễn Văn Huy kể có chuyện một số cụ đến ngày cưới mới biết mặt vợ...
Hát đúm, hay hát ví, hát đối là sinh hoạt dân gian rất phổ biến của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ và đặc biệt ở vùng Tổng Phục, thuộc huyện Thủy Đường xưa (nay là các xã Lập Lễ, Phả Lễ, Phục Lễ, Tam Hưng của huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng). Tại đây, các nhóm (đúm) nam nữ thanh niên chưa vợ chưa chồng hát đối đáp để giao duyên. Hát đúm gắn liền với việc bên nam được giật khăn bên nữ để xem mặt nên mùa hát đúm đầu xuân còn gọi là "hội mở mặt"…
Để khôi phục sinh hoạt văn hóa này, từ năm 2013, huyện Thủy Nguyên đã tổ chức thi hát đúm luân phiên trong 4 xã kể trên và mở rộng đến xã Ngũ Lão. Huyện đang cùng Bảo tàng Hải Phòng làm hồ sơ để trình Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch công nhận hát đúm là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
|
Bình luận (0)