BlackBerry: Điện thoại cũ thành hàng 'hot' với giới trẻ Trung Quốc

21/09/2019 21:11 GMT+7

Giới trẻ thường rất nhạy với xu hướng và công nghệ mới , song tại Trung Quốc , một số người trẻ hiện say mê BlackBerry , hiệu điện thoại đã lùi về quá khứ, nhường chỗ cho những cái tên như iPhone, Samsung và Huawei.

Theo South China Morning Post, chiếc điện thoại từng là "dế cưng" hồi thập niên 2000 đang có sự hồi sinh khó tin khi được xem là mẫu điện thoại giúp người dùng tránh cạm bẫy của việc lên mạng quá nhiều. Theo truyền thông Trung Quốc, BlackBerry đang trở nên đặc biệt phổ biến với nhiều sinh viên, học sinh chọn dùng mẫu điện thoại cũ để tập trung vào việc học.
"Điện thoại di động thật dễ thương! Bỏ dùng internet cũng rất hữu ích", một người mua viết nhận xét trên trang Taobao bán mẫu BlackBerry 2013. Cũng có nhiều nhận xét khác nhưng ít nhiệt tình hơn.
Leo Lee ở Hồng Kông hiện chạy một số fanpage trực tuyến dành riêng cho BlackBerry. Ông cho biết người dùng vẫn mua điện thoại BlackBerry vì tính năng bảo mật, vẻ ngoài và bàn phím QWERTY. Những người tìm cách offline thường chọn các thiết bị cầm tay cũ hơn, chạy hệ điều hành BlackBerry OS vốn không hỗ trợ nhiều ứng dụng mới.
Thiết kế này "chuẩn" với học sinh, sinh viên muốn tập trung vào chuyện học. Một số nhà bán lẻ dường như cũng đang đặt mục tiêu vào nhóm khách hàng trẻ tuổi. Nhiều chợ online bày bán điện thoại BlackBerry đã qua trang trí đáng kể để có hình manga dễ thương thu hút học sinh, sinh viên.

Leo Lee, người quản lý câu lạc bộ fan điện thoại BlackBerry, BlackBerryClubs, vẫn còn giữ mẫu BlackBerry Bold 9900 từ năm 2011

Ảnh: BlackBerryClubs

Điện thoại BlackBerry của Canada từng là một trong các mẫu smartphone phổ biến nhất ở Mỹ. Năm 2009, 20% smartphone xuất xưởng chạy bằng BlackBerry OS. BlackBerry từng được nhiều giám đốc điều hành doanh nghiệp Phố Wall ưu ái sử dụng. Không những thế, nhiều sếp doanh nghiệp và cả cựu Tổng thống Mỹ là ông Barack Obama cũng dùng BlackBerry. Hồi năm 2016 khi còn tại chức, cựu Tổng thống Mỹ Obama vẫn dùng chiếc BlackBerry vì lý do an ninh.
Song đến năm 2017, 10 năm sau khi Apple tung chiếc iPhone đầu tiên, thị phần BlackBerry giảm xuống còn 0% vì gặp sức ép lớn từ vô số đối thủ cạnh tranh, hầu hết là những chiếc smartphone đời mới hơn chạy bằng Android. Cuối cùng, BlackBerry phải từ bỏ BlackBerry OS "cây nhà lá vườn" để phát hành điện thoại Android tập trung vào bảo mật hồi năm 2015. Không lâu sau, BlackBerry từ bỏ thiết kế điện thoại riêng và cho hãng điện tử Trung Quốc TCL thuê thương hiệu.
Dễ hiểu vì sao BlackBerry được mệnh danh là "điện thoại bỏ dùng internet". Thiết bị chạy trên BlackBerry OS hạn chế hơn nhiều so với các mẫu chạy Android và iOS. Điều này vẫn đúng ngay cả khi BlackBerry đã giới thiệu khả năng cài đặt một số ứng dụng Android cho điện thoại của mình.

BlackBerry Key1

Ảnh: Reuters

Theo nhiều diễn đàn trực tuyến, Q10 từ năm 2013 là mẫu BlackBerry phổ biến. Mẫu này có thể cài đặt tệp Android APK, giúp người dùng sử dụng một số phiên bản QQ Music và ứng dụng nhắn tin phổ biến WeChat ở Trung Quốc. Các ứng dụng được lòng giới trẻ khác như Instagram, Tiktok và Facebook thì hoàn toàn "vắng mặt".
Một yếu tố khác giúp BlackBerry thu hút học sinh, sinh viên là giá rẻ. Các mẫu đời mới có thể có giá lên đến 500 USD hoặc hơn, song nhiều mẫu cũ kỹ thì chỉ tầm 90 USD. Cả năm 2017, BlackBerry chỉ xuất xưởng 850.000 chiếc điện thoại, thấp hơn nhiều so với con số 14,6 triệu chiếc chỉ trong quý 4/2010.
Học sinh, sinh viên không là nhóm khách hàng duy nhất của BlackBerry. Tại Hồng Kông và Đại lục, hiệu điện thoại Canada này có hơn 250.000 fan. Hãng vẫn định kỳ tung nhiều thiết bị cầm tay mới, mẫu mới nhất là KEY2 LE được tung hồi tháng 8.2018.
Dù không còn là tên tuổi lớn trong làng smartphone, điện thoại BlackBerry vẫn còn chỗ đứng với một nhóm khách hàng và "fan cứng" rất riêng. Dù doanh nghiệp nhìn chung đã tái định hướng kinh doanh sang các giải pháp bảo mật và liên lạc an toàn, một số fan vẫn còn say mê trong quá khứ điện thoại di động huy hoàng của nó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.