Chặn kiểu kinh doanh 'treo đầu dê bán thịt chó'

10/03/2021 08:19 GMT+7

Nhu cầu về chất lượng và thụ hưởng cuộc sống của người Việt ngày càng cao. Đặc biệt, khái niệm thụ hưởng cuộc sống không chỉ gói gọn trong phạm trù 'có ăn là được' mà đã nâng lên mức ăn phải 'ngon, bổ'; mặc phải 'đẹp', 'độc'.

Và khi đạt đến việc ăn ngon, mặc đẹp thì người tiêu dùng sẽ có nhu cầu về xài hàng hiệu, hay đúng hơn là phải “hàng ngoại” nhưng tâm lý thì ai cũng muốn… rẻ và chất lượng. Từ đó, những dịch vụ như bán hàng xách tay trên mạng xã hội nở rộ.
Loạt bài cùng tên mà PV Thanh Niên thực hiện đã phần nào ghi nhận thực trạng này. Có hai vấn đề nổi lên, đó là không ít người mua qua mạng xã hội đã bị lừa với kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”. Một bộ phận người bán hàng xách tay cũng dụng nhiều chiêu, như: chụp sản phẩm, dùng kỹ xảo photoshop làm ảnh thật long lanh, nhưng hàng trao tay thì… không thể chấp nhận được. Đặc biệt, những loại thực phẩm chức năng được quảng cáo “bổ”, hàng xách tay từ nước ngoài, nhưng không cơ quan chức năng nào kiểm chứng được chất lượng.
Mua bán hàng xách tay có thể sẽ rẻ, nhưng mối nguy về hàng giả, kém chất lượng, hàng nhập lậu thì người tiêu dùng không biết kêu ai. Do vậy, người tiêu dùng khi mua hàng xách tay phải đặt tiêu chí hàng đầu là đảm bảo hàng thật và nói không với hàng “fake” (hàng nhái, làm giả - PV).
Nhìn ở góc độ quản lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bộ luật Hình sự cũng đã quy định dấu hiệu cấu thành tội phạm của hành vi buôn bán hàng giả hoặc hành vi buôn lậu, trốn thuế... Cơ chế đã có, quan trọng là việc thực thi và sự quyết liệt, siết chặt kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát để đảm bảo nguồn thuế cho ngân sách từ việc bán hàng xách tay, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.