Đi quay phim Thủ tướng Phạm Văn Đồng

01/03/2016 15:13 GMT+7

Chỉ mỗi cái việc ghé thắp hương cho cha mẹ trước rồi về nhà sau của ông mà cứ ám ảnh lấy tôi rất nhiều năm sau đó, nhất là những lần tôi được phân công đi đưa tin về những vị lãnh đạo về thăm quê.

Phạm Văn Đồng là một chính khách tầm cỡ quốc tế. Tên tuổi của ông gắn liền với các cuộc chiến tranh giành độc lập của dân tộc suốt 30 năm (1945-1975) và hơn mười năm xây dựng đất nước. Không chỉ là một chính khách lịch duyệt, Phạm Văn Đồng còn là một nhà văn hóa lớn với vốn hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Giản dị mà uyên thâm; gần gũi mà lịch lãm… đó là những phẩm chất mà bất cứ ai tiếp xúc với ông cũng đều phải thừa nhận trong con người Phạm Văn Đồng.
Sinh ra trong một gia đình có mấy đời làm quan trong triều đình nhà Nguyễn, được sống trong “nhung lụa” từ bé do vị thế của gia đình mang lại, song Phạm Văn Đồng đã sớm từ bỏ “lầu son gác tía” ấy để dấn thân vào cuộc đấu tranh cứu nước như bao thanh niên trí thức thời bấy giờ. Ông đã để lại dấu ấn rất sâu đậm về cách đối nhân xử thế, không chỉ trên chính trường mà ngay cả trong đời thường. Ngày đó, được phân công đi ghi hình về ông là điều may mắn đối với một nhà báo mới vào nghề như tôi.
Sau khi thôi giữ chức Thủ tướng Chính phủ, Bác Phạm Văn Đồng thường về thăm quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Còn nhớ, sau ngày tái lập tỉnh vài năm, cơ quan cũ của tôi bấy giờ là Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi, có phân công chúng tôi đi ghi hình về chuyến thăm quê của ông.
Để có thể ghi được những hình ảnh cảm động về chuyến thăm quê sau nhiều năm xa cách của ông, chúng tôi về Đức Tân trước khi xe của Tỉnh ủy Quảng Ngãi đưa ông về quê. Cánh nhà báo chuẩn bị máy móc đứng sẵn trước sân căn nhà cũ của ông, chỉ chờ ông bước chân qua khỏi hàng giâm bụt là bấm máy.
Xe dừng. Người cận vệ dìu ông ra khỏi xe. Thay vì bước vào cổng ngõ nhà cũ của mình như chúng tôi dự đoán, ông trao đổi với người trợ lý những câu gì đó rất nhỏ rồi rẽ xuống phía cánh đồng. Xin được lưu ý là vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, mắt ông hầu như không nhìn thấy gì nên ông đi về phía cánh đồng bằng những bước chân dò dẫm. Quá bất ngờ trước việc “đổi ý” ấy, chúng tôi vội vác máy lao theo.
Đến bên hai ngôi mộ giữa đồng, ông hỏi người giúp việc: “Đã đến chưa?”. “Dạ thưa, đến rồi ạ”. Nói đoạn, người giúp việc bật lửa đốt hương để ông thắp lên hai ngôi mộ thân sinh của ông. Xong việc thắp hương và khấn vái, ông mới trở lại lối đi dẫn về ngôi nhà cũ của mình.
Bác Đồng thăm hỏi cặn kẽ và ân cần từng người thân trong dòng tộc. Mấy chục năm xa quê, lo toan bao nhiêu công việc quốc gia đại sự, ông vẫn không quên từng chi tiết nhỏ về hoàn cảnh sống của bà con mình cách đó hàng chục năm. Đợi khách ra về hết, tôi mới rụt rè bắt chuyện: “Bác làm chúng cháu quá bất ngờ vì cứ ngỡ Bác ghé thăm nhà trước”. Biết chúng tôi làm ở cơ quan báo chí, ông nói: “Làm gì thì mình cũng giữ lấy cái gốc, đồng chí à!”.
Chỉ mỗi cái việc ghé thắp hương cho cha mẹ trước rồi về nhà sau của ông mà cứ ám ảnh lấy tôi rất nhiều năm sau đó, nhất là những lần tôi được phân công đi đưa tin về những vị lãnh đạo về thăm quê. Có lẽ đó là bài học hơn mọi bài học mà tôi có được trong đời làm báo của mình. Phải chăng những nhân cách lớn thường bắt đầu từ những việc nhỏ như thế?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.