Mất tiền mất của ai chẳng xót, vậy nên rất nhiều nạn nhân của trò lừa đảo thường khóc lóc, vật vã, thậm chí nghĩ quẩn sau khi biết mình sa vào bẫy. Những nạn nhân thường tự biện minh là do cả tin, nhưng có thêm một lý do khác họ không thừa nhận hoặc không dám thừa nhận: Chính họ đã để lòng tham “điều khiển” và dần dà tự biến mình thành nạn nhân.
Ví như, ngày 6.1, Công an tỉnh Quảng Trị tóm gọn được “nữ quái” Lê Thị Kim Hoàn (31 tuổi, quê Tây Ninh, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM). Người này có thể dễ dàng lừa người khác hàng chục tỉ đồng bằng một chiêu tưởng chừng rất đơn giản. Một mặt, giả vờ là người nước ngoài, hứa tặng quà có giá trị; mặt khác, giả danh là nhân viên hải quan, an ninh sân bay gọi điện yêu cầu nạn nhân phải nộp những khoản thuế phí để nhận những món quà kia...
Nghe có vẻ tào lao như thế, nhưng có nạn nhân ở Quảng Trị đã chuyển số tiền lên tới 3,8 tỉ đồng. Nếu không trỗi chút lòng tham với “món quà có giá trị” thì chẳng ai tự dưng lại “đổ sông đổ biển” số tiền lớn như thế.
Không riêng gì chiêu lừa “tặng quà”, đối với các vụ “bể nợ” tín dụng đen, nếu không ham lãi cao (ví mỗi ngày “ăn” 5.000 đồng/triệu đồng), thì làm sao các nạn nhân dám đưa cho người khác vay vài chục tỉ bạc? Đối với các vụ mua phải hàng dỏm, nạn nhân sao có thể sa chân nếu không trót mê “vé bốc thăm trúng thưởng”, “quà tặng đi kèm”?
Ngày càng xuất hiện thêm nhiều thủ đoạn lừa đảo mới. Nhưng dù có biến tướng thế nào đi nữa, kẻ lừa đảo luôn đánh vào lòng tham của con người, đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Vậy nên, phải tự cảnh giác, phải biết nghi ngờ nếu có một thứ gì đó được nhận quá dễ dàng, từ một người ở tận đẩu đâu, chưa từng gặp mặt.
Bình luận (0)