Góc nhìn phóng viên: Nông dân cần đất như cá cần nước

09/06/2020 06:05 GMT+7

Mới đây, một gia đình ở H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã gửi đơn đến Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi khiếu nại việc thu hồi, bồi thường đất nông nghiệp với giá thấp để làm dự án (DA) khu dân cư (KDC).

Chia sẻ với chúng tôi, gia đình này cho biết địa phương đã thu hồi gần 2.000 m2 đất nông nghiệp của họ để giao cho doanh nghiệp làm DA KDC, với giá bồi thường gần 290 triệu đồng. Cho rằng doanh nghiệp làm DA để chia lô bán nền theo giá thị trường, không phải vì mục đích công cộng, phúc lợi… mà áp giá như vậy là quá “bèo”, thiệt hại đến quyền lợi của mình, nên từ năm 2018 đến nay, gia đình này không chịu nhận tiền bồi thường.
Trong quá trình thực hiện loạt bài Cơn lốc lấy đất nông nghiệp làm bất động sản ở Quảng Ngãi (Báo Thanh Niên đăng tải từ 4 - 7.6), chúng tôi đã ghi nhận nhiều trường hợp như vậy.
Hàng loạt gia đình nông dân đã không chịu nhận tiền bồi thường đất để giao đất cho doanh nghiệp làm KDC. Họ cho rằng, đất ven sông, phù sa hằng năm bồi đắp, sản xuất rau màu rất hiệu quả. Chỉ cần trồng cây ớt, mỗi vụ thu về khoảng 30 triệu đồng/sào (500 m2); sau đó trồng đậu, bắp..., mỗi năm thu 40 - 50 triệu đồng. Trong khi mức đền bù chỉ hơn 70 triệu đồng/sào thì quá rẻ. Họ chỉ cần cố gắng “mưa nắng” chưa tới 2 năm đã có số tiền ấy. Đó là chưa kể cùng trên một vùng đất, cùng trên một diện tích nhưng kẻ nhận tiền nhiều, người nhận ít, gây bất bình sâu sắc.
Nông dân cần đất cũng như cá cần nước. Đất sản xuất là cần câu để kiếm cá, mất đất, nông dân sẽ như cá không có nước. Trên lý thuyết, địa phương nào cũng cho rằng sẽ chuyển đổi nghề cho nông dân, nhưng trong thực tế, nông dân mất đất sản xuất phải “tự bơi”: xin đi làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp (nhưng chỉ lứa tuổi trên dưới 30 mới được nhận làm việc); “du Nam” làm thuê; còn lại bám vào những đồng tiền được đền bù để sống.
Câu chuyện trên không chỉ diễn ra ở Quảng Ngãi mà ở nhiều tỉnh khác. Đất nông nghiệp đang dần biến thành các KDC, để rồi người nông dân như con cá bị vớt ra khỏi mặt nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.