Chưa kịp ngồi ấm chỗ, họ đã hỏi Khá Bảnh: “Mật khẩu wifi là gì nhỉ?”. Từ đó cho đến hết buổi tiệc, các giang hồ mạng tay phải cầm đũa, tay trái lăm lăm điện thoại để livestream với những hành vi, ngôn từ đầy kích động, bạo lực… Điều lạ là những hình ảnh này lại thu hút rất đông giới trẻ, trong đó có không ít thiếu niên nhi đồng, xem, like. Vì thế, trên Facebook khi ấy có câu: “Giang hồ mạng không sợ mất mạng (mạng người - PV), chỉ sợ mất mạng (mạng internet - PV)”.
Đến tháng 3.2019, khi hàng chục học sinh ở Yên Bái xúm quanh Khá Bảnh xin chữ ký thì người ta mới giật mình. Không những không lên án hành vi trái thuần phong mỹ tục, trái đạo đức, vi phạm pháp luật của Khá Bảnh mà nhiều người còn coi anh ta là thần tượng. Nửa tháng sau, giang hồ mạng Dương Minh Tuyền xuất hiện ở Hưng Yên và được hàng trăm người dân từ già đến trẻ vây quanh thì dư luận chuyển từ giật mình sang kinh ngạc. Xã hội có bao nhiêu thứ tốt đẹp nhưng người ta đã kéo nhau ra đường để cổ vũ cho một “thánh chửi”, một thanh niên có tiền án “gây rối trật tự công cộng” và “hủy hoại tài sản”.
Hào quang giang hồ mạng còn khiến những giang hồ “thứ thiệt” cũng phải thèm muốn. Đường Nhuệ, một “trùm xã hội đen” ở Thái Bình, cũng theo các giang hồ mạng đi đóng phim. Trong phim ngoài bạo lực thì Đường Nhuệ, Phú Lê, Dũng “trọc” còn có những câu thoại đầy đạo lý. Nhưng sự thật được bóc trần, những “nhà đạo lý” ấy hiện kẻ đang bị tạm giam vì chỉ đạo đánh hai phụ nữ tay không tấc sắt; kẻ sắp ra tòa vì kiếm ăn trên xác người; kẻ còn lại thì mới bị Công an TP.Hòa Bình tạm giữ hình sự vì dính líu ma túy... Cư dân mạng lúc này đúc kết về các giang hồ mạng trong mấy chữ nghe cũng vần: hay nói đạo lý và thường dương tính với ma túy!
Càng nổi thì càng dễ vớt, mỗi khi một giang hồ mạng bị “bế” đi, người ta luôn mong pháp luật trừng trị thật nghiêm minh cho đáng tội. Tội hình sự thì đáng một, còn tội làm hư trẻ con đáng mười.
Bình luận (0)