Tôi còn nhớ, tối ngày 27.8, Sở TT-TT tỉnh Quảng Bình phát đi bản thông báo “đặc biệt” về số phận cái cặp đựng tài liệu phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025, chuyện đang nóng hổi vì được dư luận quan tâm.
Không nằm ngoài dự đoán của nhiều người, bản thông báo của Sở TT-TT nêu rõ: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy tại buổi gặp mặt báo chí vào sáng cùng ngày (27.8), sau khi rà soát, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh thống nhất hủy các gói thầu mua sắm cặp đựng tài liệu. Một quyết định nhanh và hợp lòng người, nhất là khi Quảng Bình vốn là tỉnh nghèo và ảnh hưởng của Covid-19 đang diễn biến phức tạp thế kia, chi phí phòng chống dịch đang là điều ưu tiên.
Thực ra, chuyện “cái cặp đại hội” này không mới và xuất hiện ở khá nhiều nơi. Cứ mỗi kỳ đại hội ở các cấp xong thì mỗi đại biểu có nào cặp, ấm chén, và các vật phẩm tương tự với giá trị hàng tỉ đồng...
Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều liên quan việc này. Một luồng quan điểm cho rằng không nhất thiết phải có quà tặng cho đại biểu dịp đại hội, không cứ đại hội phải có quà tặng có giá trị cao mà đại hội cần mang tính thực chất, đại biểu cần tiết kiệm vì dân.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, cần phải có quà tặng để lưu lại dấu mốc lớn của địa phương, cũng không phải không có lý. Nên xem ra, việc chọn quà, chi phí làm sao tiết kiệm, mang tính biểu trưng cao, là điều mà người làm công tác tổ chức cần tính toán, suy nghĩ thấu đáo, sáng suốt, để cuối cùng không có những câu chuyện cái cặp, ấm chén… phải hủy thầu trước “giờ G” như đã từng xảy ra. Khi mà nhà nhà, ngành ngành đều bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 kéo dài, cũng đã đến lúc, tư duy của đơn vị tổ chức cần được thay đổi, sao cho tiết kiệm, hiệu quả, thiết thực; tránh được bệnh hình thức, màu mè.
Bình luận (0)