Rất nhiều dòng tin trên báo chí đăng tải về chúng chỉ nhận được cái khoát tay, ý không quan tâm và đâu đó còn có ý kiến cho rằng truyền thông đang nói quá lên. Nhưng sau 4 tháng, nhà chức trách, chính quyền địa phương vẫn “bó tay” với việc voọc tấn công người thì chuyện đã không còn nhỏ nữa...
Thực tế, đàn voọc gáy trắng xuất hiện ở thôn Sê Pu (xã Hướng Lập, H.Hướng Hóa) từ tháng 8 và thường xuyên lao xuống đường tấn công người. Khi cơ quan chức năng còn loay hoay đối phó với loài linh trưởng này thì mưa bão ập đến, đàn voọc... nín thinh. Nhưng từ giữa tháng 11, mưa bão tạm lắng thì đàn voọc lại xuất hiện như một sự thách thức đối với người dân và chính quyền. Thậm chí, chúng còn hung hãn hơn trước khiến nhiều nạn nhân phải khâu 8 - 9 mũi do bị chúng cắn.
Người dân thực sự hoang mang, với họ đây không còn là chuyện nhỏ nữa. Trong khi đó, ngành chức năng (cụ thể là ngành NN-PTNT) vẫn loay hoay với phương án giăng lưới (dài 1,2 km, cao 3 m) vốn không mấy hiệu quả và sắp xếp cuộc gặp với chuyên gia Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) vẫn chưa đến đâu.
Rõ ràng, khi các vụ tấn công đã nguy hiểm đến tính mạng con người thì cần phải được xem xét một cách nghiêm túc. Giải pháp để vừa bảo vệ được đàn voọc quý, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân cần sớm được đưa ra, tránh để xung đột bị đẩy lên đỉnh điểm, dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực từ phía con người như tìm cách tiêu diệt đàn voọc. Muốn vậy, phải bắt đầu từ thay đổi tư duy, đừng xem đây là chuyện nhỏ và không cấp thiết…
Bình luận (0)