Theo các chuyên gia, những vướng mắc chính trong tự chủ giáo dục ĐH hiện nay là tồn tại song song những mâu thuẫn trong các chính sách phát triển, cả về quan điểm lẫn việc triển khai. Chẳng hạn, trong các đợt thí điểm tự chủ ĐH mà gần đây nhất là 23 trường được thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 77 của Thủ tướng Chính phủ, thì thực tế tự chủ là “tự túc” trong vấn đề tài chính. TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, nói: “Gần đây Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này một cách đúng đắn rằng tự chủ không có nghĩa là nhà nước không cấp tiền nữa. Nhưng trên thực tế quan điểm này mới chỉ dừng lại ở lời nói mà chưa thể hiện trên các văn bản pháp quy”.
tin liên quan
Bao giờ các trường ĐH hoàn toàn 'rời' bộ chủ quản?GS Vũ Minh Giang, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng nếu hiểu tự chủ là “khoán trắng”, bắt các trường ĐH tự lo mà kiếm tiền là không đúng, bởi trên thế giới, kể cả các trường tư (chẳng hạn như ĐH Harvard) vẫn được nhà nước đầu tư. Vì thế vai trò của nhà nước đối với phát triển giáo dục ĐH không chỉ là quản lý nhà nước, kiểm tra giám sát mà còn là cung cấp nguồn lực. Tuy nhiên, theo GS Giang, đầu tư cần phải có trọng điểm.
Về hội đồng trường, theo GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, tuy số lượng trường ĐH có hội đồng trường hiện đã tăng lên đáng kể nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề, chẳng hạn vị thế của chủ tịch phần lớn thấp hơn hiệu trưởng, cơ chế “bộ chủ quản” và “trường trực thuộc” đã vô hiệu hóa tác dụng của hội đồng trường. Trong tiến trình đổi mới giáo dục ĐH, cơ chế quản lý theo mô hình “bộ chủ quản” đã được cải tiến dần nhưng hai lĩnh vực quan trọng nhất vẫn nằm trong tay bộ chủ quản là tài chính và nhân sự. Mặc dù trong một nghị quyết ban hành năm 2016 của Chính phủ cũng đã yêu cầu giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường ĐH, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản, tuy nhiên các ý tưởng này cần được thể chế hóa và đưa vào luật Giáo dục ĐH sửa đổi.
Còn TS Lê Viết Khuyến cho rằng việc thành lập hội đồng trường cần thực chất chứ không nên đua theo phong trào như hiện nay. Để ĐH thực sự được tự chủ thì trước hết ĐH cần được giải phóng khỏi bộ chủ quản, lúc bấy giờ mới cần có hội đồng trường. Việc vẫn tồn tại bộ chủ quản sẽ làm các hội đồng trường đã thành lập hoạt động rất khó khăn, mang tính hình thức và buộc phải chuyển dần qua chức năng tư vấn.
Bình luận (0)