Bỏ chấm điểm ở tiểu học: Học sinh và phụ huynh chưa quen

16/10/2014 18:55 GMT+7

(TNO) Những ngày đầu thực hiện quy định mới của Bộ Giáo dục - Đào tạo thay chấm điểm bằng nhận xét của giáo viên với học sinh tiểu học, các em vẫn hỏi cô giáo "con được mấy điểm?".

>> Không chấm điểm 0 với học sinh lớp 1
>> Khuyến khích không chấm điểm học sinh lớp 1: Xóa áp lực khi đến trường
>> Không xếp loại học sinh tiểu học

 Bo-cham-diem-hoc-sinh-tieu-hoc
Học sinh sẽ cần thời gian để quen với việc bỏ chấm điểm - Ảnh: CTV

Từ ngày 15.10, quy định mới của Bộ Giáo dục - Đào tạo về đánh giá học sinh tiểu học chính thức được áp dụng với thay đổi lớn nhất là bỏ đánh giá bằng chấm điểm, thay vào đó là nhận xét của giáo viên.

Một giáo viên trường tiểu học Đặng Trần Côn A, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: do thời gian đầu chưa quen nên cả phụ huynh và học sinh vẫn hỏi giáo viên về điểm số của các con mỗi ngày.

Giáo viên này cho biết, dù đã cố gắng nhận xét cặn kẽ nhưng học sinh vẫn mang vở lên thắc mắc và bảo: thôi cô cứ cho con điểm để con còn trả lời mẹ con, vì ngày nào mẹ con cũng hỏi “hôm nay con được mấy điểm?”. Có em thì thắc mắc "cô khen “tốt” thì có phải là con được 10 không?".

Chị Thái Thanh, phụ huynh có con học Trường tiểu học quốc tế Thăng Long cho biết: từ đầu năm học đến nay, cô giáo của con tôi không chấm điểm nữa. Với môn toán, câu nào, bài nào cháu làm đúng, làm sai, cô chữa vào đó thì tôi có thể ước lượng cháu được mấy điểm. Nhưng với môn tiếng Việt thì… chịu.

Phụ huynh khác ở phố Tây Sơn, quận Đống Đa (Hà Nội) cũng chia sẻ: khi nào cô chữa bài kỹ thì mình còn biết để giúp con sửa chữa hay rèn luyện thêm phần kiến thức nào. Hôm nào cô chỉ nhận xét chung chung là “có tiến bộ” hay “cần cố gắng” hơn thì mình thực sự không biết con đang ở “ngưỡng” nào.

Chị Lê Na, có con năm nay mới vào lớp 1 phản ánh: con vừa đi học, mới đang tập ghép vần thì cô nhận xét rất dài với những từ ngữ chuyên môn, kiểu như “chú ý độ rộng nét khuyết” hay “cần chủ động rèn chữ”… "Những thuật ngữ này các con vừa chưa đọc được mà nếu phụ huynh có đọc cho con nghe thì con cũng chưa hiểu", chị Na lo lắng.

Do vậy, nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn, việc nhận xét của các cô phải dễ hiểu, tránh làm học sinh mặc cảm nhưng cũng tránh khen… quá đà, khiến các con tưởng mình giỏi rồi nên không nỗ lực phấn đấu nữa.

Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó trưởng phòng Giáo dục của quận Cầu Giấy cho rằng: nếu theo sát yêu cầu bài học với bài làm của các con, qua cách chữa, nhận xét của cô giáo, phụ huynh hay học sinh vẫn nắm được trình độ của mình được đánh giá ở mức nào. Tất nhiên, việc này cần có thời gian để làm quen với cả 3 bên: giáo viên, học sinh, phụ huynh.

Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết: trước khi thực hiện quy định mới, Bộ đã tiến hành tập huấn cho lãnh đạo và chuyên viên của các Sở Giáo dục - Đào tạo trên cả nước. Đội ngũ này đã tập huấn lại cho tất cả giáo viên trực tiếp đứng lớp.

Ông Định cũng chia sẻ, việc thay đổi cách làm cũ, thói quen cũ cần thời gian và sẽ không ít khó khăn gặp phải. Tuy nhiên, việc bỏ chấm điểm là một xu hướng tiến bộ, giúp học sinh không bị áp lực với điểm số và thành tích ngay từ khi mới đi học.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.