Bộ Chính trị: Không để nước ngoài lợi dụng thâu tóm doanh nghiệp trong nước

06/06/2020 16:52 GMT+7

Bộ Chính trị yêu cầu phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Điều chỉnh các chỉ tiêu ngân sách nhà nước

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Kết luận về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước. Theo đó, Bộ Chính trị cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, cần khai thác tối đa thị trường trong nước, đồng thời phải phòng ngừa, ứng phó với các bất ổn từ bên ngoài, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế.
Bộ Chính trị yêu cầu phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Đồng thời, chủ động điều hành, điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước, trong đó có thu ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước và nợ công cho phù hợp tình hình thực tiễn.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng định hướng, phải tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh với những chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư quốc tế, trong nước. Đồng thời, khắc phục, tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng các chính sách đặc biệt, tận dụng cơ hội, nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh, khả năng chống chịu và tính tự chủ của nền kinh tế.

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, triển khai ngay các dự án lớn

Để thực hiện mục tiêu, định hướng nói trên, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế đối với một số lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 trong năm 2020.
Bộ Chính trị yêu cầu, trước mắt chưa triển khai điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ 1.7.2020. Đồng thời, kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021; trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022 - 2025.
Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và yêu cầu khởi công, triển khai thực hiện ngay các dự án quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan toả đến phát triển kinh tế - xã hội.
“Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc bảo đảm tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công”, kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020; điều chỉnh một số dự án thành phần đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 từ phương thức đầu tư đối tác công - tư sang đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội

Về nhiệm vụ dài hạn, Bộ Chính trị yêu cầu đổi mới hoàn thiện thể chế để khơi thông, giải phóng nguồn lực phát triển, nâng cao năng lực quản trị quốc gia; đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó, đa dạng hoá, tránh phụ thuộc vào một thị trường cả xuất khẩu và nhập khẩu.
Đáng lưu ý, Bộ Chính trị yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, kể cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI, không để bị lợi dụng thâu tóm bởi nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với xu thế mới; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người lao động sớm quay trở lại thị trường, bảo đảm đủ lực lượng lao động khi bước vào giai đoạn tăng cường sản xuất, kinh doanh sau dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.