Báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 8
Sáng 16.7, báo cáo về tiến độ dự án luật Công đoàn sửa đổi tại hội nghị triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2020 và năm 2021, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Nguyễn Đình Khang cho hay, tới 1.6, Tổng Liên đoàn Lao động đã gửi hồ sơ dự án Luật tới các bộ, ngành có liên quan và xin ý kiến của Chính phủ, có đăng tải thông tin hồ sơ dự án Luật trên cổng thông tin điện tử của Tổng Liên đoàn từ ngày 3.6 - 1.8.2020.
Đến thời điểm này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhận được đóng góp ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB-XH. Các cơ quan chưa có ý kiến là Bộ Ngoại giao, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nêu một số khó khăn trong công tác chuẩn bị dự án Luật. Theo đó, ông Khang cho biết, Kế hoạch 735 ngày 18.1.2018 về việc triển khai các Nghị quyết T.Ư 6 khoá XII và Công văn số 1099 của Ủy ban Pháp luật Quốc hội ngày 23.1.2018 khi đề cập tới sửa đổi luật Công đoàn đã nhấn mạnh tới những vấn đề liên quan tới tổ chức bộ máy của công đoàn Việt Nam.
Tuy nhiên, nội dung liên quan tới tổ chức bộ máy được quy định trong luật Công đoàn 2012 là những vấn đề mang tính chất nguyên tắc, căn bản và mang tính định hướng chung cho toàn hệ thống; đã và đang được Tổng Liên đoàn rà soát, triển khai, xây dựng các chiến lược, các đề án, chương trình kế hoạch.
Cụ thể, ông Khang cho biết, hiện Bộ Chính trị giao cho Tổng Liên đoàn Lao động xây dựng đề án đổi mới tổ chức phương thức hoạt động động công đoàn trong tình hình mới trình Bộ Chính trị phê duyệt.
Theo ông Khang, vừa rồi sau quá trình lấy ý kiến các ban, bộ, ngành T.Ư, Tổng Liên đoàn Lao động đã chính thức trình Bộ Chính trị để xem xét và thông qua đề án đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. “Theo làm việc với Văn phòng T.Ư Đảng, đang đề nghị xếp lịch Bộ Chính trị sẽ nghe báo cáo trong tháng 8 này”, ông Khang thông tin.
Thực hiện cam kết quốc tế
Sau báo cáo của ông Khang, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội nghị cho biết, đề án trình Bộ Chính trị sẽ là cơ sở quan trọng xác định chính sách, phạm vi sửa đổi luật này.
Tuy nhiên, theo ông Lưu, trọng tâm của dự án luật này là khi Việt Nam ký các hiệp định thương mại tự do và tham gia các công ước quốc tế, thì có việc các doanh nghiệp được thành lập các tổ chức công đoàn độc lập bên cạnh tổ chức công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Do đó, để thực hiện các hiệp định đã được phê chuẩn, mới đưa việc sửa luật vào chương trình xây dựng luật năm 2020.
Từ đó, ông Lưu đề nghị Tổng liên đoàn Lao động phải đảm bảo tinh thần khẩn trương và sửa đổi luật lần này phải bao quát tất cả để đảm bảo liên đoàn lao động hoạt động tốt hơn. Ông Lưu cũng đề nghị các cơ quan chưa có ý kiến là Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và Mặt trận Tổ quốc khẩn trương có ý kiến với dự thảo luật này.
“Cố gắng bảo đảm đúng tiến độ Quốc hội quyết định là tháng 10 cho ý kiến lần đầu và kỳ họp 11 là thông qua để đảm bảo cam kết của ta với quốc tế khi ký hiệp định thương mại tự do", ông Lưu nói.
Trước đó, tại kỳ họp 7 năm 2019, Quốc hội phê chuẩn việc tham gia Công ước 98. Một trong những nội dung của Công ước này là cho phép thành lập các tổ chức đại diện người lao động (công đoàn) tại cơ sở bên cạnh Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Các nội dung của Công ước 98 đã được luật hóa khi Quốc hội sửa đổi bộ luật Lao động tại kỳ họp 8, cuối năm 2019. Riêng nội dung về tổ chức công đoàn độc lập tại cơ sở sẽ được sửa đổi trong luật Công đoàn.
|
Bình luận (0)