Bộ Chính trị yêu cầu ban hành nhiều chính sách đặc thù, vượt trội cho TP.HCM

02/01/2023 12:18 GMT+7

Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị yêu cầu ban hành nhiều chính sách vượt trội để phát triển TP.HCM.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Chính trị yêu cầu ban hành các chính sách vượt trội để phát triển TP.HCM

Ngọc Dương

Tăng trưởng 8 - 8,5% mỗi năm

Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.

Thành phố phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan toả, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam; sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.

Tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hoá phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.

Tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Chính trị đề ra nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh, TP.HCM cần tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực.

Trong đó, phát triển TP.Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Trong đó, Bộ Chính trị nhấn mạnh cần ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng năng lượng, viễn thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ và hệ thống đường kết nối nội vùng, liên vùng theo quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là tuyến vành đai 3, vành đai 4, các đường cao tốc, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Bộ Chính trị yêu cầu phát triển mạnh mẽ văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng con người thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với thành phố mang tên lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...

Ban hành chính sách vượt trội

Đáng lưu ý, Bộ Chính trị yêu cầu ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong giai đoạn mới.

Theo đó, Bộ Chính trị nhấn mạnh, cần thực hiện có hiệu quả việc phân cấp, phân quyền cho HĐND và UBND TP.HCM nhằm tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa và trật tự xã hội; tổ chức, bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Thí điểm chính sách mang tính đột phá để TP.HCM chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển. Giữ tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố theo mức hiện nay đến hết năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo, tạo điều kiện để TP.HCM có nguồn lực bổ sung cho các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, đầu tư phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm và nâng cao phúc lợi của người dân, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Cùng với đó, ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM; cho thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính và chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Trung tâm Tài chính quốc tế.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu xây dựng cơ chế đột phá thu hút nguồn lực đầu tư phát triển và thúc đẩy xã hội hoá trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục và đào tạo, văn hoá, thể thao; nâng cao hiệu quả các loại hình liên kết đầu tư trong các lĩnh vực này. Áp dụng thí điểm việc lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công - tư để triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và khoa học - công nghệ.

Cùng với đó, cho TP.HCM thực hiện cơ chế cần thiết để xử lý những dự án đầu tư, những công trình tồn đọng nhiều năm do vướng mắc về cơ chế, thủ tục.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu tiến hành sơ kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị, tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền TP.HCM tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; cho phép HĐND TP.HCM quyết định việc giao một số nhiệm vụ theo quy định pháp luật, thuộc chức năng của các sở, ngành chuyên môn cho UBND TP.Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức trong phạm vi địa bàn TP.Thủ Đức; quyết định tổ chức bộ máy trực thuộc TP.Thủ Đức, vị trí việc làm, cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn dựa trên hoạt động kinh tế, quy mô dân số và đặc điểm địa bàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.