Bỏ chứng chỉ: Sẽ không dừng lại chỉ ở chứng chỉ tin học, ngoại ngữ

19/03/2021 19:11 GMT+7

" Thiên la địa võng" chứng chỉ ; kể cả ngoại ngữ, tin học; kể cả chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, có thể sẽ được bỏ bớt trong thời gian tới đây, để giảm những phần thủ tục rất tốn kém nhưng không cần thiết.

Thêm Bộ NN-PTNT đã bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Chiều 19.3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ, vấn đề được quan tâm lớn nhất vẫn là những quy định phiền hà xung quanh chứng chỉ. Bộ Nội vụ nhận được khoảng gần một chục câu hỏi liên quan đến vấn đề này.
Trả lời chùm câu hỏi trên, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ), cho biết việc "giảm tải" chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã nhận được sự đồng thuận lớn của các bộ, ngành, địa phương.
Đơn cử, trong chùm 4 thông tư mới ban hành, Bộ GD-ĐT đã không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn viên chức giáo dục nữa. Căn cứ vào Nghị quyết về trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, và Bộ Nội vụ cũng đã phối hợp, kịp thời có ý kiến với Bộ GD-ĐT để ra được quy định này.
Hiện nay, đã có thêm Bộ NN-PTNT không quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn viên chức thuộc ngành mình.
Bộ Nội vụ cũng đã có dự thảo thông tư sửa đổi về tiêu chuẩn đối với công chức hành chính và công chức chuyên ngành văn thư, đã tổng hợp ý kiến xong, đang trong quá trình thẩm định để báo cáo Bộ trưởng sớm ban hành.
Bộ TT-TT cũng đã có dự thảo thông tư theo hướng bãi bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Vấn đề hiện nay là đợi thông tư được ban hành.
Ông Trương Hải Long khẳng định, "chủ trương bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là phù hợp, đúng đắn, tạo sự đồng thuận rất cao ở các bộ, ngành, địa phương". Tất nhiên, bỏ chứng chỉ ở đây không có nghĩa là không quy định về năng lực ngoại ngữ, tin học nữa, mà tùy yêu cầu vị trí việc làm mà cơ quan tuyển dụng sẽ yêu cầu, kiểm tra, sát hạch… khi tuyển dụng, bổ nhiệm, nhưng sẽ không yêu cầu nộp chứng chỉ nữa.
Do thẩm quyền quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là do các bộ quản lý công chức, viên chức chuyên ngành ban hành, nên Bộ Nội vụ cho biết sẽ không thể sử dụng một thông tư của mình để thay thế được.
Tuy nhiên, Bộ hứa "sẽ sớm" tổ chức một cuộc họp với các bộ, ngành, đề nghị họ sớm sửa đổi, bổ sung, để đảm bảo sự công bằng giữa các ngạch công chức, viên chức nói chung, giảm tải yêu cầu về chứng chỉ.

Tiến tới các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

“Việc bãi bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là đồng thuận cao rồi”, ông Trương Hải Long cho biết, vấn đề còn lại là các chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (như chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên; chứng chỉ bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên… với báo chí).
Theo ông Long, nhiều ý kiến cũng đồng thuận bỏ các chứng chỉ này, đặc biệt đối với viên chức.
Luật Viên chức có quy định, viên chức được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó. Triển khai luật Viên chức, trước đây Nghị định 18/2010, giờ là Nghị định 115/2020, có quy định bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh. Nhưng nghị định chỉ là quy định chung, còn tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp vẫn là do các bộ quản lý chuyên ngành đặt ra.
Câu chuyện của Bộ GD-ĐT khiến các giáo viên bức xúc, theo ông Long, là do có thay đổi giữa chùm thông tư cũ và thông tư mới, khiến một số giáo viên lo lắng là để được bổ nhiệm vào vị trí mà họ đang giữ, họ sẽ phải đi học một số chứng chỉ bổ sung.
Tuy Bộ GD-ĐT đã kịp thời có Công văn 971, giải quyết một phần vướng mắc, tâm tư lo lắng của giáo viên, việc phát sinh chứng chỉ chỉ thực hiện từ thời điểm thông tư có hiệu lực chứ không hồi tố.
Ông Long cũng nhấn mạnh, công văn “mới giải quyết được một phần”. “Bộ Nội vụ sẽ có ý kiến với Bộ GD-ĐT để sửa đổi căn cơ quy định này. Chúng tôi cũng sẽ có nghiên cứu để đánh giá tổng thể, không chỉ với giáo viên mà cả với biên tập viên, phóng viên… để báo cáo cấp có thẩm quyền có sửa đổi phù hợp”.
Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, vấn đề phát sinh với các giáo viên là do khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan liên quan đã không để ý đến điều khoản chuyển tiếp, dẫn đến việc hồi tố (sinh ra cảnh tréo ngoe là người đang chuyên viên cao cấp, nhưng thiếu mất chứng chỉ chuyên viên - do thời điểm người này được bổ nhiệm, quy định chưa yêu cầu, lại phải quay lại học chứng chỉ chuyên viên?).
Ông Thăng lưu ý các đơn vị trong Bộ Nội vụ khi ban hành văn bản phải chú ý điều này.
Theo dư luận chung, việc bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với viên chức đang tương đối được đồng thuận. Vấn đề hiện nay là đợi "quan điểm" được thể hiện bằng chính sách khi các văn bản được chính thức ban hành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.