Bởi những đơn vị tổ chức biểu diễn, những nghệ sĩ hoạt động nghiêm túc không ai muốn sử dụng hay biểu diễn những tác phẩm gây khó khăn cho công việc, nghề nghiệp của họ.
Đồng tình quan điểm này, luật sư Lê Quang Vy - Công ty Phước & Partners nói thêm: “Cơ quan quản lý nhà nước cấm phổ biến tác phẩm trong các trường hợp nào phải được quy định rõ ràng, cụ thể trong một đạo luật chứ không thể là văn bản dưới luật; công khai các tác phẩm bị cấm; những tác phẩm không bị cấm đương nhiên được phép sử dụng”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quang Long cho rằng: “Đối với việc cấp phép ca khúc sáng tác tại miền Nam trước năm 1975, nên phân cấp trở lại như trước đây. Chẳng hạn ở lĩnh vực xuất bản âm nhạc, nên phân cấp cho các sở VH-TT và NXB Âm nhạc”. Bởi trong thời gian từng làm Phó ban biên tập của NXB Âm nhạc, ông rất bức xúc khi NXB Âm nhạc lĩnh vực xuất bản chính là sách âm nhạc và băng đĩa nhạc, nhưng Nghị định 79 đã không công nhận băng đĩa nhạc thuộc lĩnh vực xuất bản và tước quyền cấp phép, quyền vốn đương nhiên của các NXB. Chính vì thế, ông Long mong muốn sau dịp này, các cơ quan quản lý văn hóa có sự phối hợp điều chỉnh, sửa đổi sao cho phù hợp trong việc cấp phép phổ biến những sáng tác trước 1975.
Quản lý ca sĩ Đan Trường - ông Hoàng Tuấn, Giám đốc HT Production, đưa ý kiến: “Theo tôi, với các ca khúc đã được phát hành băng đĩa nhạc có tem đóng dấu từ các cơ quan chức năng, hay các bài hát đã xin phép thực hiện MV thì các cơ quan chức năng, Cục NTBD nên hợp thức hóa để không phải xin cấp phép trở lại khi ca sĩ biểu diễn. Việc xin đi, xin lại nhiều lần rất mất thời gian cho đơn vị tổ chức biểu diễn lẫn cơ quan chức năng và phát sinh thêm nhiều vấn đề. Ca sĩ chỉ hát những bài đã được phép phổ biến, những bài theo đúng pháp luật, không hát bài cấm thì sao phải xin lại. Tôi cũng bức xúc việc một số trang web nhạc bây giờ họ phát nhan nhản bài cấm, bài chưa một lần xin cấp phép tại sao các cơ quan chức năng, Cục NTBD không kiểm tra để phạt. Có vẻ như họ chỉ “nắm” người có tóc. Càng thêm giấy phép con càng thêm rắc rối mất thời gian. Còn những nhạc phẩm đã được Sở VH-TT TP.HCM xem xét, cấp phép trong chương trình nào đó rồi thì nên liên thông với các sở VH-TT địa phương khác cũng như Cục NTBD để hợp thức hóa phổ biến luôn, nhằm đơn giản bớt thủ tục xin - cho nhiều lần đối với 1 bài hát”. Bên cạnh đó, ông cũng mong muốn có sự thống nhất trong việc cấp phép ca khúc trước 1975, vì: “Có những bài hát được Cục cấp phép, được biểu diễn các tỉnh thành lẫn trên truyền hình rồi, nhưng khi chúng tôi xin phép Sở VH-TT TP.HCM để phát hành album thì lại không được duyệt”.
tin liên quan
'Lên đàng', 'Tự nguyện'... cũng chưa được cấp phép phổ biến?Dù đã là ca khúc hết sức quen thuộc với giới trẻ và được biểu diễn trong hàng trăm chương trình lớn nhỏ, nhưng mãi đến chiều 12.4, Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phổ biến.
Ông Khánh Nguyễn (Giám đốc Công ty Nhạc Xanh chuyên tổ chức biểu diễn) thắc mắc: “Tôi thấy lạ là những bài hát mà mấy chục năm qua Sở VH-TT các tỉnh thành, hay Sở VH-TT TP.HCM đã cấp phép hát, biểu diễn trên sân khấu, in băng đĩa nhạc nát hết rồi nhưng giờ Cục NTBD lại muốn làm thủ tục cấp phép lại. Ví như Nối vòng tay lớn, Đêm thấy ta là thác đổ... của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được Sở VH-TT TP.HCM cấp phép hát rất nhiều lần giờ phải xin lại. Đây là điều gây thêm phiền phức và tốn công sức. Theo tôi, nên giảm bớt các thủ tục rườm rà không cần thiết. Nếu làm thủ tục xin phép thì chỉ những bài hát chưa từng biểu diễn, chưa được cấp phép từ trước đến giờ dưới mọi hình thức mới xin mà thôi. Còn những bài đã hát nhiều rồi qua băng đĩa, qua MV đã được sở VH-TT xem và duyệt rồi thì không nên tiếp tục xin cấp phép nữa”.
Trong khi đó, bà Phan Mộng Thúy, Giám đốc Phương Nam Phim đề nghị: “Tôi nghĩ trong dịp này, cơ quan quản lý cần có những quy định, quy chế rõ ràng chi tiết hơn, không chỉ trong việc cho biết ca khúc thế nào thì cấm, mà còn quy định rõ thời hạn giải quyết - cấp phép để các đơn vị sản xuất hay người có nhu cầu sử dụng chủ động trong các dự án âm nhạc của mình”.
Cái gì khó quản được thì cấm
Cục NTBD vẫn theo quan điểm cái gì khó quản được thì cấm, phải có người xin thì mới cho. Việc cấm 5 bài tình ca “nhạy cảm” và một số ca khúc cộng đồng trong đó có Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn nằm trong tinh thần đó.
Dù cố gắng đến đâu, Cục NTBD cũng không thể sưu tầm được bản in chính thức của cả chục ngàn ca khúc từng được phổ biến tại miền Nam trước 1975. Một số ít ca khúc được đem ra dựng lại đã được các tác giả hoặc người biên tập chương trình thay đổi một vài từ nhạy cảm để không gây ra sự hiểu lầm về chính trị. Còn những ca khúc nào có nội dung chống Cộng, kích động hận thù, ca ngợi lính tráng chế độ VNCH thì tự chúng đã bị triệt tiêu, không ai muốn đem ra làm chương trình hay biểu diễn.
Năm 2003, một hãng đĩa làm album Thu, hát cho người gồm 12 bài tình ca của tôi. Cục buộc hãng đĩa phải bỏ hẳn bài Chiều mơ thì mới cấp phép cho lưu hành. Tìm hiểu cặn kẽ, chúng tôi mới biết bài này được in và dịch ra ở nước ngoài với tựa đề Afternoon Reverie, được hai ca sĩ Hà Thanh (Mỹ) và Mai Hương (Pháp) hát nên bị... nghi là nhạc hải ngoại, cấm phổ biến! Sau cùng, tôi nhớ ra bài tình ca này đã được thu với tiếng hát Hồng Nhung trong một chương trình về Đà Lạt năm 1999. Tôi fax nhãn đĩa ấy ra Hà Nội, Cục mới tin rằng bài tình ca này được viết ở VN!
Bài Tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước là một ca khúc cách mạng, năm 1954 bị chế độ Ngô Đình Diệm “mượn” và sửa chữa vài ca từ làm bài quốc ca ở miền Nam. Bài Ngày về vốn là bài tình ca sang trọng của Hoàng Giác, bị chế độ Nguyễn Văn Thiệu “mượn” làm nhạc hiệu cho chương trình chiêu hồi ở miền Nam lúc đó. Cả hai bài hát vô tội đó bị nhiều người hiểu nhầm là “nhạc phản động” của chế độ cũ, đến nỗi sau năm 1975, không ai dám dựng, dám hát!
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển
|
Bình luận (0)